Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Cái hồn trong từng con chữ rất riêng của Đinh Văn Hồng



Cái hồn trong từng con chữ rất riêng của Đinh Văn Hồng

Những ngày cuối tháng 10 năm 2010, qua đường bưu điện, tôi nhận được từ Quãng Ngãi tập thơ “ Về với Sông Hồng” của Đinh Văn Hồng. Vốn đã biết anh từ những trang viết trên Blog, qua những công tác thiện nguyện mà anh đã từng tham gia hay những lần anh đứng ra tổ chức. “ Về với Sông Hồng” với những câu thơ dạt dào cảm xúc của anh khiến tôi càng thêm trân trọng một tấm lòng - tấm lòng của anh bộ đội Cụ Hồ ngày xưa trong kháng chiến gìn giữ quê hương và đồng thời là anh công nhân Ngành Điện hôm nay trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.
Xuyên suốt tập thơ là những tâm trạng vui, buồn, hạnh phúc và cả những dòng hoài niệm men theo chùm ký ức hiện về từ những năm tháng đã qua. Có lẽ sẽ không quá khi nói rằng Đinh Văn Hồng của hôm nay, là những tháng năm dài đấu tranh, kiếm tìm hạnh phúc của Đinh Văn Hồng hôm qua. Và ngay trong giây phút hiện hữu này, tôi vẫn thấy một Đinh Văn Hồng đang trầm ngâm, tư lự, đang mãi miết giữa cuộc đời. Phải chăng chính vì vậy mà một con người luôn vui vẻ, hoạt bát như anh lại có một cái nickname rất lạ: “… Số phận khổ đau”.
Con người vốn là sự kết hợp của tổng thể những cảm xúc và thơ là phương tiện để đưa những cảm xúc ấy đến với mọi người xung quanh một cách nhẹ nhàng và sâu lắng nhất. Trong những vần thơ ta bắt gặp một Đinh Văn Hồng với sự hân hoan, sung sướng khi được đi dưới màu cờ của Thủ Đô – nơi anh đã sinh ra và lớn lên:
Hà Nội ơi, ta lại về rồi
Chân thoả bước
Giữa phố phường nhộn nhịp
( Hà Nội 1000 năm)
Ẩn sau trong sự hân hoan ấy, ta thấy trái tim anh như đang run lên khi trầm tư nhớ lại trang sử hào hùng đã qua:
Ta trầm tư trước viên đá hôm qua
Người thợ nào đã đem xây cung điện
( Hà Nội 1000 năm)
Vâng, với lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, những cuộc chiến tranh đi qua. Trong cuộc chiến ấy, anh đã từng vác ba lô lên vai, cầm chắc tay súng để chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ Quốc. Hoà bình, cuộc sống cũng đã đôi phần thay đổi. Trở lại Hà Nội, miên man trong ký ức, anh tìm đến ngôi nhà xưa:
Tôi gạt từng đám lá vàng rơi
Tìm lại vết chân tôi thuở ấy
Con đường mang tên… Hoàng Hoa Thám
Nhà của tôi người khác ở rồi.
( Về Nhà Cũ)
Tôi như cảm nhận được sự tiếc nuối đến xót xa, nghẹn ngào trong từng câu thơ của anh, nhưng sâu trong sự nghẹn ngào, tôi nhận ra ánh mắt anh vẫn long lanh chan chứa yêu thương khi gặp lại những người quen, những hàng xóm cũ.
Hàng xóm cũ người đi kẻ ở
Vẫn vui mừng chào đón yêu thương
( Về Nhà Cũ)
Miên man trong từng vần thơ của Đinh Văn Hồng, tôi bất chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá linh hồn
Hà Nội – dòng Sông Hồng với anh cũng là một trường hợp như thế. Dù đi đâu, ở đâu, anh cũng luôn hướng về nơi ấy với tất cả tầm lòng. Có lẽ vì vậy mà trong các tác phẩm của mình, anh dành phần lớn để viết về Hà Nội, về dòng Sông Hồng:
Sông Hồng ơi
Dẫu đục phù sa
Không trong vắt
Như những con sông khác
Vẫn đem màu bồi đắp bãi bờ xanh
( Sông Quê)
Và cũng nơi dòng sông quê ấy, anh đã đi qua những tháng ngày của tuổi thơ. Để giờ đây, khi bồi hồi nhớ lại:
Cái thời bì bõm dưới sông
Kết lá ngô làm ô
Anh chú rễ quần vá gối
Em cô dâu áo thiên thanh
( Trở Lại Bến Sông)
Đẹp làm sao những tháng ngày thơ ngây, hồn nhiên như thế. Ngày xưa ấy đẹp đẽ lắm, bình yên lắm.!
Khu nhà tôi
Lặng lẽ giữa thủ đô
Kim Giang… khu nhà ven ô
Bên bờ sông Tô
Trầm lặng không ồn ào
Mẹ cha và chúng tôi
Cùng năm tháng
Tuổi thơ tôi
Trôi qua
( Nhà Tôi)
Vậy mà, thời gian như đang bào mòn đi mọi thứ. Cha anh giờ đã không còn.
Mười bảy năm trời thiếu bóng cha
Nhớ sao da diết lúc cha cười
….
Ngày mai giỗ Cha lòng hiu quạnh
Ngồi một mình nước mắt tuôn rơi
( Nhớ Cha)
Những bước chân anh đi qua, trước thăng trầm của cuộc đời anh vẫn luôn nhớ đến lời cha “ tu rèn đạo đức – trung hiếu song toàn”. Vắng cha, ngôi nhà xưa giờ chỉ còn mình mẹ đang chống chọi với tuổi già, trong cơn bạo bệnh  nhưng vẫn luôn lo lắng cho anh:
Đến lúc chiều tà
Vẫn một câu duy nhất
“ Mày về
Có xin phép không con…!”
( Lo)
Vâng, dù bây giờ trên đầu anh đã nhuốm hai thứ tóc nhưng tấm lòng của mẹ là thế, trong mắt mẹ anh vẫn luôn bé như ngày xưa. Vẫn:
Nâng từng giấc ngủ
Che chở ngày đêm
Bởi thế
Cây trở nên cằn cỗi
Những nếp nhăn
Làn da mồi
Lá chẳng còn tươi tốt
Nhuốm màu thời gian
( Chăm Mẹ)
Những vần thơ trên đuợc anh viết trong ngày mẹ anh bệnh nặng, từ Quãng Ngãi anh về Hà Nội chăm sóc mẹ. Tôi còn nhớ rất rõ anh đã tâm sự, anh tin mẹ anh sẽ sớm bình phục vì mẹ là mẹ và vì tình yêu mà mẹ anh dành cho con cháu. Chắc chắn mẹ anh sẽ kiên cường vượt qua được tất cả khó khăn. Và ông trời đã không phụ lòng người. “ Hữu cầu tất ứng”, mẹ anh đã bình phục sau một thời gian điều trị.
Tình yêu thương vốn luôn là nguồn cội, là nơi kết nối những trái tim. Tình yêu ấy anh dành cho đất nước, cho gia đình, cho những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn, đặt biệt là dành cho quê nội anh: Nghĩa Hành - thượng nguồn con Sông Vệ. Qua thơ anh, tôi như thấy một dòng sông cổ tích:
Dòng Vệ giang xanh ngát
Luỹ tre cúi soi mình
Gió đùa lăn mặt nước
Bãi ngô thì con gái
Vẫy cờ theo tuổi thơ
(Đi Tìm)
Hay:
Về Hành Tín nơi tuổi thơ anh đó
Ruộng mía, bãi dưa, keo, tràm phủ kín
Xào xác gió đưa qua những ngọn đồi
( Theo Chồng)
Ngày nay, quê hương anh đang từng ngày thay da đổi thịt. Anh bộ đội ngày xưa giờ là anh công nhân Điện Lực đang kết nối huyết mạch tổ quốc đã viết về cuộc sống và công việc của công nhân ngành Điện:
Xây dựng triền miên tối ngày phơi nắng
Da sạm đen nhưng anh vẫn tươi cười
( Không Dám)
Dù là khó khăn và gian khổ như thế nhưng các anh vẫn luôn cần mẫn làm “con ong góp mật giúp cho đời”. Vì hơn ai hết anh hiểu dòng điện ấy là:
Dòng điện từ tim, tấm lòng người thợ
Là huyết mạch chảy khắp miền Nam - Bắc
Nhịp đập năm trăm đập mãi không ngừng
( Tình Ca Người Thợ)
Anh công nhân ấy, trong tình yêu cũng vô cùng nồng nàn:
Anh không che được sức nóng của mặt trời
Cũng không thể lấy mặt trăng xuống cho em làm gương soi
Nhưng anh biết sẽ làm em hạnh phúc
Bởi anh tin tình yêu anh dành cho em
( Anh Không Thể)
Tuy nhiên, giữa dòng đời cũng đôi khi chìm trong trăn trở - trăn trở của một người đàn ông trụ cột của gia đình, là người cha của các con:
Muốn mang lại cho em tình yêu và hạnh phúc
Phải thức trắng nhiều đêm để tìm đường đi tới
Lo cho con ăn học, hành trang bước vào đời
( Trăn Trở)
Nhưng dù trong những lúc “ chạy đua với cuộc đời” như thế, hay những lúc yên vui với cuộc sống đời thường. Anh vẫn luôn hướng về những vùng đảo, vùng trời của Tổ quốc:
Hoàng Sa ơi, lệ nhoà mắt mẹ
Trường Sa còn… đau đớn khôn nguôi
Lãnh hải quê hương… trăn trở mất còn
( Thế Lính Hoàng Sa)
Anh gởi lòng mình về với đảo, với những người lính đang ngày đêm bảo vệ biên cương:
Nhắn về em nơi chàng trai giữ đảo
Biển có bao giờ yên lặng đâu em
Nắm chắc tay súng trên nhà giàn, trên đảo
Giữ biển quê nhà em lính đảo ơi!
( Gởi Lòng Ra Đảo)
Khép lại tập thơ, tôi vẫn như thấy dáng anh đang trầm ngâm nhìn về một nơi xa xăm nào đó với những hoài niệm về những tháng ngày đã qua, với những dòng cảm xúc của hôm nay. Có thể nói, thơ Đinh Văn Hồng là dòng hồi ức rất thật về một miền đất. Nơi ấy có thể là Hà Nội, là dòng sông Hồng, nơi ấy có gia đình anh, có mẹ anh, nơi ấy là vô vàn kỷ niệm với một cô gái nào đó (người mà anh đã từng yêu – tri kỷ)… Dù là nơi nào đi nữa, tôi trân trọng khoảng lặng rất riêng trong cuộc sống của anh.
Theo quan điểm chủ quan của cá nhân tôi, thơ trước hết cần phải có hồn và phải mang được hơi thở của cuộc sống sau đó mới xét đến các biện pháp nghệ thuật. Với tôi, Đinh Văn Hồng đã làm được điều đó. Tôi đã cảm nhận được từng nhịp đập chân chất, nhẹ nhàng của chàng trai Hà Nội trong trái tim anh. Thơ của anh đã và đang gắn kết những trái tim, nâng những tâm hồn lại với nhau để cùng rung lên những cung bậc của cuộc sống.
Người yêu thơ luôn có những quan điểm và những nhận xét khác nhau. Hãy đọc thơ Đinh Văn Hồng và khoan đưa ra những nhận xét vội mà hãy đọc thật chậm và dành chút thời gian chiêm nghiệm, tôi tin rằng mọi người cũng sẽ như tôi, nhận ra một hồn đẹp trong từng con chữ rất riêng của Đinh Văn Hồng.

Hoa Mưa – Vũ Hạ

2 nhận xét:

  1. Chúc mừng anh về những cảm nhận chaan tình của bạn thơ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em...và bạn thơ yêu thơ nhưng mong bạn tình còn yêu thơ hơn em nhỉ!

      Xóa