Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA

Sử Tàu dân Việt thuộc làu
Chỉ buồn sử Việt trong đầu bằng không
Cũng nhờ ơn của mấy ông
Truyền hình nước Việt mênh mông phim Tàu

Ngẫm mà trong dạ thấy sầu
Nhờ ơn phim chiếu mà Tàu hơn ta
Cũng bởi phim ảnh mà ra
Cho nên sử Việt xót xa nghẹn ngào

Thương thay cho cảnh đồng bào
Nhiễm bài đồng hóa mưu cao của Tàu
Lịch sử mất gốc từ lâu
Thí sinh thi sử nỗi đau mù mờ

Giám khảo mặt mũi bơ phờ
Kiếm bài cho điểm vượt bờ con năm
Như vậy mà cũng khó khăn
Bởi sàn điểm sử bị băm nát nhừ

Giờ đây ta phải từ từ
Dạy con cháu lại sử từ xa xưa
Chắc rằng rồi vẫn cứ thua
Bởi đài vẫn chiếu như mưa phim Tàu !


Thơ vui không dính dáng đến chính trị, mong bà con đọc đừng hiểu lầm và lôi kéo vào mục đích chính trị!
















Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

NỢ NHAU

Em nợ ta một nụ cười
Khi ta ghép mảnh trăng rời mặt sông
Em nợ ta nhớ mênh mông
Co ro giá lạnh đêm đông một mình

Nợ nhau một nụ cười tình
Để cho xa cứ lung linh nhớ về
Nợ ta trong nỗi bộn bề
Đêm dài thao thức đam mê trọn lòng

Ta nợ em mãi trông mong
Vườn xuân rực rỡ nắng hồng buổi mai
Ta nợ em một chặng đường dài
Mỏi lòng đếm với miệt mài thời gian

Nợ nhau một kiếp đa đoan
Môi nồng ân ái dâng tràn lòng nhau
Nợ nhau một kiếp không đau
Một đời với những sắc màu yêu thương

Bao giờ cạn sóng vấn vương
Để ta xóa được chán chường cách xa
Bao giờ trời đất giao thoa
Để ta đếm hết nụ hoa cuộc đời

Thôi đành cứ thế chơi vơi
Nợ nhau để nhớ rối bời đường tơ
Biết đâu cũng chạm giấc mơ
Bùng nhùng duyên nợ ta chờ được nhau.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

CHÙM NỢ LỤC BÁT


1. Ta nợ em đám mây trôi
    Tay không chặn nổi nắng sôi đỉnh đầu
    Ta nợ em nỗi u sầu
    Khi ta chẳng vượt nổi cầu qua sông

2. Ta nợ nỗi nhớ phiêu bồng
     Những khi xa cách mênh mông đợi chờ
     Nợ em trong cả giấc mơ
    Ta không đắp nổi đôi bờ cách xa

3. Nợ em miền nhớ quắt quay
    Vành trăng vẽ dở, màu say chưa đều
   Nợ em tặng chiếc khăn thêu
   Nụ hôn còn ít chưa nhiều bằng em

4. Nợ em dày đặc đan xen
    Như lá trên ngàn, vạn đèn phố đêm
    Nợ thêm một ánh sao đêm
    Ta chưa hái được cho em gài đầu


5. Lần khân nợ cứ để lâu
    Bao giờ em xóa ta cầu hôn em
    Biết đâu tình ái nồng men
    Nợ chồng lên nợ chẳng thèm nhớ đâu...

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

SỐNG ĐAU...!!!

http://afamily1.vcmedia.vn/1bcccccccccccc3HzpHKlkuIkEcBRc/Image/2011/09/Jen/20110908afamilyvanhoasach2_698fb.jpg

Mặt trời ...
sểnh chân ngã sau dãy núi
chỉ còn mình tôi bước đi lầm lũi
xung quanh đỏ bầm một màu huyết dụ
đơn độc tâm hồn rỉ rả máu ma
giữa những bụi lọc lừa và man trá
tôi ôm lấy  tất cả mọi nỗi đau
khâu từng đám mây rách giữa cuộc đời
vá những vết thương nhằng nhịt con tim
màn đêm chùm chiếc áo giả dối im lìm
chỉ có hơi thở
tiếng sột soạt cựa mình của đất
là thật !
cố đốt cho mình ngọn đuốc vô thường
thắp sáng niềm tin đi nốt chặng đường
ngày mai mặt trời lại leo lên đỉnh núi
khi ấy...tôi có còn giữa vũ trụ bao la ?

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

XUÂN VỀ - AI KHÔNG MUA NỔI " MỚ RAU "?


26/12/2011 15:32  |  820 lượt xem
Mùa xuân đã đến bên thềm, một năm cũ đầy biến động với thăng trầm của nền kinh tế, xuân về nỗi lo vật chất để phục vụ cho tinh thần theo truyền thống để có một cái tết cổ truyền làm ai cũng băn khoăn. Khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo đang ngày trở lên cách biệt bởi khoảng cách rộng hơn , sâu hơn...Tự hỏi xuân này những ai không mua nổi " mớ rau "?
1. Người nghèo không nơi nương tựa.
2. Người có thu nhập thấp và hoàn cảnh neo đơn.
3. Người khuyết tật không còn khả năng lao động.
4. Quan chức.
Liệt kê được 4 nhóm người đặc trưng này vẫn biết còn thiếu rất nhiều nhưng ta tạm dừng và suy ngẫm. Nói về 3 nhóm người đầu họ không mua nổi mớ rau là đương nhiên, nên đặc biệt đề cập tới nhóm 4 mà thôi.
Riêng loại thứ 4 này thì hoàn cảnh có phần đặc biệt, bởi họ không hề thiếu " rau " trong mỗi ăn, thậm chí còn ê hề cùng các loại đặc sản quý hiếm thậm chí có loại còn nằm trong danh mục bảo vệ động, thực vật...Nhóm 4 vốn là nhóm thiểu số trong xã hội, và đầy đủ tư chất, năng lực cũng như trình độ với vốn kiến thức nhất định. Vậy tại sao họ không mua nổi một mớ rau trong những ngày xuân?
- Về thời gian nhóm này dư dả nhất, ta đi tới bất cứ nhà hàng, quán nhậu hay khách sạn cao cấp đều có mặt họ quanh năm suốt tháng và chỉ họ mới đủ điều kiện để tới. ( Điều này thuộc về đẳng cấp ). Nhân dân thì với thu nhập thấp và giá thị trường cao,  không dám bén mảng tới những nơi này
- Họ đi lại bằng máy bay hoặc xe con đời mới do nhà nước chi phí ( Tiền thuế của dân ) chứ những người nộp thuế thì chen chúc nhau đi xe đò, xe khách với giá vé vượt 60 % thậm trí không có chỗ để đi về đoàn tụ ngày xuân cũng gia đình.
- Họ mặc những bộ quần áo đắt tiền ( Bắt buộc cho ngoại giao )
- Họ ăn những món ngon ( Để đảm bảo sức khỏe phục vụ nhân dân)
- Khi ốm đau nhóm này được chăm sóc đặc biệt và không cần nghĩ tới tiền khác xa với người dân không có tiền chữa bệnh bị đuổi về.
Lướt qua vài sự kiện cuối năm ta thấy, nhóm này hưởng lương cao nhất từ vài chục đến vài trăm triệu, chưa kể các khoản bổng lộc khác.
Họ có thể thuê du thuyền và gái đẹp để tận hưởng trên sông.
Họ có thể cá độ bóng đá cả triệu đô hay đánh ván cờ tiền tỷ.
Họ sẵn sàng rút súng đe dọa những người khác, hay lợi dụng chức vụ để hạch sách, vòi vĩnh và tham nhũng...
Sơ qua ta thấy nhóm người này không sử dụng tiền mặt, và nếu có cũng hi hữu lắm...Vậy tại sao họ không mua nổi mớ rau?
Điều đơn giản mà ta thấy qua những tóm tắt sơ lược của 1 bộ phận " quan " trong xã hội, tuy không phải là tất cả nhưng bộ phận này chiếm đa số trong cái thiểu số mà ta đưa ra ban đầu. Điều này đã nói lên cái đáng thương của họ, khi mà họ đầy đủ những ưu đãi của cuộc đời thì họ đã mất đi điều hạnh phúc đó là " Được mua mớ rau góp phần đón xuân cùng gia đình " Bởi tất cả họ được cung cấp đầy đủ đến mức họ không biết nổi vật giá tiêu dùng hằng ngày những thứ mà họ thường xuyên sử dụng..."
Xuân về rồi, thương thay cho 4 nhóm người trên, và ta cần làm gì để giúp họ mua được mớ rau để bếp hồng ngày xuân?
Mời các bạn tham gia nhé! http://www.facebook.com/events/304357649586972/

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

XUÂN SỚM


Tặng cho em " blog nkby1982 " cô giáo của núi, rừng nhân ngày noel  2011, chúc em có một mùa giáng sinh ấm áp yêu thương

Đông về cóng buốt rừng đêm
Sương lam khoác áo cho mềm trần gian
Gác trọ vọng tiếng ho khan
Đôi tay giá lạnh miên man chấm bài

Đèn vàng thiếu khách vãng lai
Chợt buồn hiu hắt vắng ai xum vầy
Từng trang giáo án vơi đầy
Thời gian lặng lẽ với bầy trẻ thơ

Nơi đây em gửi giấc mơ
Tuổi xuân khát vọng hướng chờ tương lai
Tám năm nhiệt huyết không phai
Chuyến đò ngang cứ miệt mài sang sông

Nỗi niềm anh gửi mênh mông
Cho em ấm áp đêm đông trải dài
Bình minh rạng ánh ban mai
Mùa xuân đến sớm hoa khai nắng hồng.

LẼ NÀO MÌNH ĐÃ ĐI QUA





LẼ NÀO MÌNH ĐÃ ĐI QUA

Lẽ nào mình đã đi qua
Khoảng thời gian với thiết tha mặn nồng
Nụ hôn nở giữa rừng thông
Lời ca da diết mênh mông núi đồi

Còn không hơi ấm ta ngồi
Bồng bềnh theo đám mây trôi lưng trời
Còn không kỉ niệm cho đời
Bên nhau khao khát muôn lời yêu thương

Lẽ nào em chẳng vấn vương
Con đường đêm vắng gió nhường bước chân
Lẽ nào mật ngọt ái ân
Tan trong xa cách bao lần gặp nhau

Lẽ nào vụn vỡ không đau
Bởi tình xa ngái trước sau mịt mờ
Anh ngồi lặng trước câu thơ
Nhói tim với những thờ ơ của người...

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

GIÁNG SINH BUỒN






Anh quỳ xuống vớt vầng trăng
Đêm tan lễ sớm dùng dằng bên em
Nụ hôn ai đó phát thèm
Bởi đêm thánh đó say mèm tình ơi

Gác chuông góc nhỏ chơi vơi
Chờ công chúa tuyết đến chơi với mình
Dưới kia đèn nến lung linh
Vang vang tiếng búa đóng đinh thuở nào

Mười hai bộ mặt cười chào
Chỉ còn sót kẻ nháo nhào mắt đưa
Giáo đường đêm lễ người thưa
Anh không xưng tội chẳng vừa lòng em

Nghĩ đời còn lắm trắng đen
Sống chung với những hờn ghen dối lừa
Gác chuông anh quỳ nguyện thưa
Ba ngôi chúa có lời chưa vừa lòng

Thì anh cũng vẫn ước mong
Bên em tay nắm vào trong giáo đường
Cúi mong chúa có lòng thương
Cho anh được sống trọn đường bên em.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Hãy lắng nghe cái tình đang róc rách. Qua những vần thơ dào dạt của Đinh Văn Hồng



Hãy lắng nghe cái tình đang róc rách. Qua những vần thơ dào dạt của Đinh Văn Hồng

 
Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, 2010
Khổ: 12,5 x 19cm
Số trang: 95

 Tôi biết đến Nhà thơ Đinh Văn Hồng trong một chiều lang thang Internet - một chiều đông lạnh lẽo với nỗi cô đơn vây kín tâm hồn. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương. Nhớ cái mùi khói bếp ngai ngái mỗi chiều tà. Nhớ bữa cơm đạm bạc với cà dưa... Tất cả đã dấy lên trong tôi cồn cào quay quắt. Tôi muốn tìm một nơi nương náu cho tâm hồn để được nếm cái hương vị bình yên ấy. Và mỗi khi như vậy, tôi chỉ còn biết tìm đến những vần thơ để thỏa những khát khao nỗi nhớ nhà. Và rồi tôi đã lạc vào vườn thơ của Đinh Văn Hồng: Sự bình yên đến lạ kỳ - đó là cảm xúc khi lần đầu tiên tôi đọc những vần thơ của chú: ở đó là cái tình chan chứa trong thơ Đinh Văn Hồng.

Chẳng phải  bên mẹ ta mới thấy ấm áp nơi tình mẹ, chẳng phải về quê ta mới được sống cảnh thanh bình dân dã nơi thôn quê. Giữa thành phố quen  mà lạ, tôi vẫn thấy bình yên khi đọc những vần thơ da diết của Đinh Văn Hồng.
                                          Về quê  ta tắm nắng chiều
                                          Triền đê cùng với cánh diều bay cao
                                           Bờ tre cơn gió lao xao
                                           Dòng sông dát bạc sóng trào yêu thương...
                                                                         ( Về quê - Đinh Văn Hồng)
Gần gũi lắm! Quê tôi đấy - tuổi thơ tôi đấy! Ôi thấy nghẹn ngào khi đọc những vần thơ. Quê hương trong Đinh Văn Hồng là những ký ức tuổi thơ với cánh diều và ánh nắng chiều khắc khoải, đến những bờ tre, những cơn gió lao xao. Sao lại có sự đồng điệu trong tâm hồn đến thế chứ? Hình ảnh dòng sông dát bạc gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi đã mường tượng ra một dòng sông với làn nước trong veo. Trong veo như chính tuổi thơ hồn nhiên của nhà thơ vậy. Cách so sánh ngầm thật độc đáo: Những tia nắng chiều rớt xuống dòng sông, nhưng con gió thổi tràn tạo lên những lớp sóng lăn tăn. Nhìn từ xa, dòng sông lấp lánh như được dát bạc, như được phủ trên mình một thứ trang sức quý giá  vậy.

Chỉ với  vài nét chấm phá: Một ánh nắng chiều vàng vọt cuối triền đê. Một cánh diều trên  tầng không cao vút. Một bờ tre xào xạc tiếng gió chiều. Một dòng sông "dát bạc" yêu thương. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã vẽ lên một bức tranh về một vùng quê yên bình chỉ có trong huyền thoại, trong ký ức. Chỉ  bấy nhiêu thôi, đủ thấy được tình yêu Nhà thơ dành cho quê hương sâu sắc đến nhường nào.
Để rồi, Đinh Văn Hồng lại thả hồn mình về theo tiếng gọi quê hương, để thấy những thứ thơm tho trong ký ức thuở  nào:
                                          Ta về cho thỏa  vấn vương
                                           Cho say câu hát bên nương thuở nào.

Ôi! Câu hát bên nương thuở nào kia, tôi tự hỏi là câu hát gì thế nhỉ? Mà khiến nhà chú say, chú muốn  về cho thỏa vấn vương? Một câu hát ru của mẹ đã ru chú lớn khôn , là hành trang chú mang theo suốt cuộc đời? Hay tiếng hát mượt mà mềm mại của cô thôn  nữ hôm nào khiến bao năm xa quê, chú vẫn chưa khi nào quên nó? Điều này có lẽ chú rõ hơn ai cả.Nhưng bất luận thế nào, dù là tiếng ru của mẹ hay tiếng hát mượt mà của cô thôn nữ bên nương thì đó cũng đều là tiếng của quê hương đã khắc sâu trong Đinh Văn Hồng.

Tôi đã được nếm cái hương vị " bánh đa bánh đúc" khi " Về Quê" cùng với Phó Đức Phương. Được nếm vị "bánh đa vừng" khi "úp mặt vào sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo. Và bây giờ đây, tôi lại được nếm những món ngon tinh thần đậm đà màu sắc dân gian truyền thống của quê hương của Đinh Văn Hồng khi làm chuyến hành hương" Về Quê" cùng nhà thơ:
                                                Về đây ngắm lại chính mình 
                                                 Những đêm trăng sáng sân đình giao duyên

Còn gì tuyệt với hơn thế nữa, với những đêm trăng hò hẹn nơi sân đình và hát giao duyên? Những làn điệu chèo, những câu quan họ, những câu hát đối của những đôi nam thanh nữ tú. Sâu sắc trong cái tình quê ấy, là tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên Đất  nước mà tôi nghĩ bất kỳ ai khi đọc thơ Đinh Văn Hồng cũng nhận thấy điều đó. 

Mặc dù:   
                                        Cuộc đời lắm nỗi truân chuyên
Nhưng
                                        Dẫu cho lang bạt vẫn nguyên vẹn tình

 Bao năm xa xôi, nhà thơ vẫn nguyên vẹn và tinh khôi với cái tình dành cho quê  hương yêu dấu như thuở ban đầu. Từ khi còn thơ, chắc hẳn ai trong chúng ta, nhất là những người xa quê lang bạt cũng đôi lần tự hỏi:
                                       Quê hương là gì hả mẹ?
                                       Mà cô giáo bảo phải yêu
                                       Quê  hương là gì hả mẹ?
                                       Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Là gì ư? Thật chẳng giản đơn để có thể đưa ra khái niệm đầy đủ và sâu sắc nhất mà vẫn chứa đựng được cái tình gửi gắm trong đó. Quê hương, chẳng phải là cái gì chung chung trìu tượng, là những thứ giản đơn, rất đời thường nhưng vô cùng  thiêng liêng:
                                       Quê hương là chùm khế ngọt
                                       Cho con trèo hái mỗi ngày
                                       Quê hương là đường đi học
                                       Con về rợp bướm vàng bay
                                        ...
và rồi:
                                       Quê hương nếu ai không nhớ
                                        Sẽ không lớn nổi thành người
                                                               (Quê hương - Đỗ Trung Quân) 
Chắc hẳn chú cũng luôn cánh cánh trong lòng như vậy, để rồi lại quay quắt tìm về:
                                         Về quê tìm lại bóng hình
                                          Dáng cô thôn nữ đội bình bên sông
                                          ....
                                          Ta  về tìm tiếng chìa vôi
                                          Vườn sau ríu rít gọi đôi cuối chiều
Cái tình quê ấy còn ấm nòng tình cô thôn nữ, tình cảm của những con người quê hương. Hình ảnh tiếng chìa vôi gọi nhau cuối chiều, ngoài nghĩa tả thực, ở đó còn là thứ tình cảm thủy chung son sắt của con người quê hương mà chú muốn gửi gắm, nhắn nhủ đến bạn đọc: Đấy hạnh phúc giản dị, bình yên trong tình yêu ngọt ngào, bình dị như tiếng chìa vôi ríu rít mà thôi.

Quê  hương trong thơ Đinh Văn Hồng, còn là tiếng thơ Kiều ngoại đọc mỗi đêm khuya:
                                          Về nghe ngoại đọc thơ Kiều
                                          Đời người cay đắng còn nhiều ước mơ.
Có ước mơ là có tất cả. Còn biết ước mơ và còn biết yêu và biết tin vào cuộc sống., tin vào những điều kỳ diệu phép màu của cuộc sống này. Hãy cứ tin, hãy cứ ước mơ đi: "Qua cơn bĩ cực" rồi sẽ "tới tuần thái lai". Đó là truyền thống, là đức tính quý báu của ông cha ta mà bất kỳ người Việt Nam nào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cũng phải luôn khắc ghi, cũng phải luôn tự hào về điều đó. 

Soi thấu trong cái tình quê đó, là cả một địa đàng của chan chứa yêu thương: Tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên đất nước hài hòa trong mối liên hệ thống nhất. Đúng là " Cái tình ngụp lặn trong tình " . Phải, chỉ có về quê  thôi mới thấy được rằng:
                                                "...Về quê sống cảnh thanh bình 
                                                  Gần cha, gần mẹ, gần tình anh em
                                                   Tìm về nguồn cội êm đềm
                                                    Bao năm lang bạt vẫn nguyên ban đầu
                                                    Đêm nao anh hát chân cầu
                                                    Em ngồi giặt áo cúi đầu thẹn e
                                                    Yêu sao ơi những lũy tre
                                                    Trưa hè bát nước chè xanh ân tình..."
                                                                        ( bạn đọc bình thơ chú Hồng)
                 
 Cái tình trong thơ Đinh Văn Hồng không giản đơn khi chú " Về Quê" mà trải dài trong nỗi "Nhớ" . Từ " Tình Vệ Giang" lan sang cả " Tình Chiều", để rồi tất cả ắp đầy và bung ra thành " Tình Nở"

Nếu như trong " Về Quê", chúng ta thấy tình yêu quê hương, đất nước xuyên suốt là tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi mặn nòng son sắt qua những hình ảnh rất đỗi quen thuộc đời thường thì trong "Tình Vệ Giang" ta lại một lần nữa bắt  gặp cái tình quê ấy lai láng chảy cùng tình yêu lứa đôi hòa quyện trong nhau thành mạch và trào ra ngòi bút thành những vần thơ:

                                    Thôn quê một thuở dài khờ
                                     Anh yêu em lắm, từng bờ tre xanh
                                     Hành Tín ơi, những ngọt lành
                                     Dọc theo làn nước trong xanh đôi bờ...

Thật khéo léo đến tài tình, Đinh Văn Hồng dụ dỗ người đọc đi hết từ bất ngờ này đến nghi ngờ khác. Trong tôi cứ phải xoáy lên những câu hỏi mà không có một sự trả lời nào cả.
                                      Anh yêu em lắm từng bờ tre xanh
Nhân vật "em" kia, phải chăng là cô thôn nữ đội bình bên sông(trong Về Quê) hay chính là dòng Vệ Giang được nhân cách  hóa mà vì quá yêu, quá nhớ mà chú đã gọi thành "em" như người con gái chú từng yêu để cho thỏa nỗi niềm? Ồ, thật khó có thể cắt nghĩa một cách đầy đủ và trọn vẹn điều này.

Âý thế rồi:

                                   ...Vệ Giang lưu luyến câu hò
                                   Dòng sông xanh thẳm cánh cò soi gương
                                   Chiều chiều khói tỏa  màn sương
                                   Em tôi xuống rẫy gửi thương cho rừng...
Nỗi nhớ ban chiều bao giờ cũng da diết nhất và đầy đủ hơn bao giờ hết. Tôi đã bắt gặp nỗi nhớ về " câu hát bên nương thuở nào" ( trong Vê Quê). Bây giờ tôi lại thấy chú " lưu luyến câu hò"bên "Tình Vệ Giang". Tiếng hát  và câu hò ấy, chắc hẳn phải có mối liên hệ nào đó sâu sắc trong Đinh Văn Hồng. Để rồi:

                                     Em tôi xuống rẫy gửi thương cho rừng
Tôi không thấy nghĩa tả thực trong câu thơ này."Gửi thương cho rừng"- phải chăng là gửi tình yêu cho anh lính trẻ đang hành quân qua những cánh rừng nơi biên giới để bảo vệ Tổ quốc , bảo vệ quê  hương với sứ mệnh cao cả của mình. Có thể lắm chứ! Và rồi, nỗi nhớ con sông bỗng chuyển hóa thành nỗi nhớ người yêu năm nào.
                                      Thương nhau em hỡi xin đừng
                                       Chớ quên ngày ấy mình từng chăn trâu
                                       Nhặt nhành sim tím em xâu
                                       Vòng hoa hẹn ước bao lâu em chờ...
Tôi nhớ lại cái trò chơi ngày bé. Giả vờ làm chú rể với cô dâu. Tết vòng hoa và cài nó lên đầu. Rồi e thẹn cúi đầu đỏ mặt. Có lẽ nhà thơ cũng từng có tuổi thơ với nhiều kỷ niệm giống như tôi, những nhành sim tím và vong hoa hẹn ước. Bởi vậy mà Đinh Văn Hồng đã nhắn nhủ:
                                     Thương nhau em hỡi xin đừng
                                     Chớ quên ngày ấy mình từng chăn trâu.
Thế nhưng 
                                    Vòng xoay duyên nợ hững hờ
                                     Tình yêu thơ dại ai ngờ phôi phai
Để rồi
                                     Dòng sông khúc cuối chia hai
                                     Em lên phố thị để ai quê nhà
Ôi thế là thôi!  Cái vòng xoay duyên nợ. Ai đâu ngờ lại chia cắt đôi ta. 
                                     Vì anh vụng dại hay là vì em?
                                                        ( Xuân Diệu)
Cái kết của tình yêu thơ dại không có hậu, chỉ còn lại nỗi luyến nhớ cho người ở lại nơi quê nhà. Để rồi bao năm lang bạt, vẫn khắc khoải một nỗi lòng day dứt khôn nguôi.

Giữa cái nơi ồn ào đô thị, cái bon chen của cuộc sống đời thường. Tôi thấy chán ngán giữa những điều bạc bẽo mà người ta vẫn đối xử với nhau. Với những cái tên đình đám như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện mang trong mình dòng máu lạnh kẻ sát nhân. Tôi cứ nghĩ cuộc sống này rồi cũng sẽ rỉ ra, mòn đi như thứ kim loại bị oxi hóa  vậy. Nhưng không, giữa trăm nghìn thứ âm thanh ồn ã nơi phố thị, tôi lại tìm thấy sự bình yên đến lạ kỳ của thứ âm thanh vẫn ngày đêm miệt mài róc rách. Ấy là thứ âm thanh của tình người sâu đậm trong thơ Đinh Văn Hồng. Không chỉ trong "Về Quê", trong "Tình Vệ Giang", cái thứ tình ấy còn chảy tràn trong nỗi " Nhớ"
                                     Nhớ chiều Hà Nội người ơi!
                                     Nhớ từng kỷ niệm một thời bên em
                                     Nhớ sao những phút êm đềm 
                                     Nhớ đêm góc phố môi mềm nụ hôn.

                                     Nhớ quay quắt mỗi chiều hôm
                                     Nhớ cơn gió thoảng tay ôm chặt nàng
                                     Nhớ ai những phút mơ màng
                                     Nhớ ngày nhớ tháng nhẹ nhàng yêu nhau

                                     Nhớ mà không nén nổi đau
                                     Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng
                                     Nhớ thời khắc ngóng mong
                                     Nhớ em anh cứ đèn trong đêm chờ.

                                     Nhớ cho tan loãng sương mờ
                                     Nhớ rồi người lại ngu ngơ thẫn thờ
                                     Nhớ triền đê nhớ đôi bờ
                                     Nhớ con sóng vỗ giấc mơ ngọt ngào.

Thứ nối nhớ, " nhớ da diết nhớ" ấy cứ dâng đầy trong tim. Tôi đã đôi lần nghe nhạc sĩ đa tình nào đó thốt lên rằng:
                           ..Có nỗi nhớ nào ồn ào như nỗi nhớ con thuyền
                             Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ khi em xa anh..."
Có lẽ chú cũng trong tâm trạng nhớ như nhạc sĩ đa tình kia. Trong trăm nghìn nỗi nhớ, thì nỗi nhớ người yêu là mãnh liệt và cồn cào hơn cả. Phải yêu lắm, yêu nhiều lắm người ta mới nhớ quay quắt cháy lòng đến thế. Để rồi không biết dãi bày, chia sẻ cùng ai:
                               Nhớ mà không nén nổi đau
                               Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng...

Mỗi câu thơ là một nỗi nhớ. Xa rồi Hà Nội mà chú luôn đau đáu một nỗi lòng nhớ khôn nguôi.Từng kỷ niệm cứ ùa về theo năm tháng. Từng nụ hôn trao người yêu nơi góc phố hẹn hò. Đến những vòng tay xiết chặt nhẹ nhàng, tất cả đã " nhớ trong dạ nhớ" - Nỗi nhớ chất chồng nên nỗi nhớ, tạo lên sự cộng hưởng tuyệt vời: 
                               Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng
 Cái sự cộng hưởng của những nỗi nhớ kia chỉ có thể có được từ sự những xúc cảm chân thành, từ thứ tình yêu ngấm vào từng tế bào trong chú chảy thành cái tình và biểu hiện qua nỗi nhớ. Để rồi đỉnh cao của nó là:
                               Nhớ cho tan loãng sương mờ...
Đọc đến đây, tôi thực sự sững sờ trước cách dùng từ với những hình ảnh độc đáo mới lạ của Đinh Văn Hồng. Ôi tình yêu! Phải da diết lắm đây thì mới cháy thành nỗi nhớ trào dâng đến vậy.Tôi mới chỉ đôi lần đọc dòng thơ nào đó"
                                 Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
                                 Nhớ ai sáng đợi, chiều mong, tối chờ
Chứ 
                                 Nhớ cho tan loãng sương mờ...
thì chỉ thấy có Đinh Văn Hồng là một. 

Tôi thích thơ lục bát. Trong hầu hết những bài thơ của Đinh Văn Hồng, tôi thấy chú viết lục bát khá nhiều. Có lẽ, thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống, dễ đọc. dễ nhớ, thể hiện được độ sâu và rộng của tình cảm con người chứa đựng trong đó. Tuy nhiên trong thơ lục bát của nhà thơ Đinh Văn Hồng tôi thấy ở đó là sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển, truyền thống và hiện đại. Thể thơ truyền thống, nhưng cách xây dựng hình tượng , cách sử dụng từ ngữ rất táo bạo, mới mẻ, ấn tượng, tạo lên sự  phá cách độc đáo và đã để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.

Tôi xin phép được khép lại đôi dòng suy nghĩ về cái tình trong thơ của nhà thơ Đinh Văn Hồng ở đây. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười trước những điều cảm nhận và suy nghĩ còn non nớt của tôi nhưng đó là những suy nghĩ và cảm nhận của riêng tôi khi đọc thơ Đinh Văn Hồng: Ở đó là giá trị nhân văn sâu sắc của thứ tình người róc rách chảy thành thơ. 
                                   
                                                                                           Kim Anh

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

ANH GHÉT...!



Anh ghét mùi son phấn
Yêu hương bưởi quê nhà
Hương bồ kết đậm đà
Của tóc em dịu ngọt

Anh ghét em lúc vắng
Làm anh nhớ mùi hương
Da thịt nồng yêu thương
Của đêm dài đằng đẵng

Anh ghét con đường dài
Núi đèo ngăn cách trở
Khiến tình anh vu vơ
Kéo dài theo nhịp thở

Anh ghét cả vần thơ
Lưng chừng đành bỏ dở
Không tả hết tình anh
Nhớ em trong xa cách

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Cảm nhận về bài thơ “QUÀ CHO NGƯỜI LÍNH GIÀ” của Đinh Văn Hồng.

Cảm nhận về bài thơ “QUÀ CHO NGƯỜI LÍNH GIÀ” của Đinh Văn Hồng.
( Mến tặng blog ...sophankhodau! nhân kỉ niệm ngày thành lập 
Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12)

          Cộng đồng mạng đọc những bài viết của Đinh Văn Hồng qua trang blog mở trên net, anh quảng giao với mọi người trên khắp mọi miền đất nước; anh em, bạn bè thân hữu biết thơ anh qua tập thơ “Về với sông Hồng”(Hội VHNT Quảng Ngãi – 2010) với những dòng thơ mượt mà, giàu tính triết lý ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, yêu cuộc sống đẹp tươi. Trong những năm gần đây, mấy ai may mắn có dịp thưởng thức một Đinh Văn Hồng rất khác, bằng những dòng thơ không còn mới nhưng mộc mạc, chân thành, giàu tình cảm và quyết liệt đậm chất lính qua một món quà tinh thần anh gởi tặng cha mình nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của Người vào năm 1988.
QUÀ CHO NGƯỜI LÍNH GIÀ

Buốt lạnh từng giọt sương
Màn đêm thay áo khoác
Điểm tựa con đứng gác
Súng cầm chắc trong tay

Chợt nhớ ngày hôm nay

Sinh nhật người lính già
Lúc này hẳn cả nhà
Quây quần vui ấm áp.

Địa đầu nơi tiếp giáp

Kẻ thù rình xâm lăng
Mắt nhìn căng bóng tối
Lòng bồi hồi nhớ qu.ê

Sinh nhật cha… không về

Con còn làm nhiệm vụ
Chắc bấy nhiêu là đủ
Một món quà tặng cha.

Muôn vàn lời thiết tha

Con gửi từ phương xa
Làm quà cho người lính
Bạc đầu qua chinh chiến.

Nơi mảnh đất vùng biên

Con thay cha cầm súng
Có bóng cha đi cùng
Con như thêm đồng đội.

Lời dạy cha đã gởi

Cho con yêu quê hương
Trên khắp nẻo chặng đường
Của một người chiến sĩ.
                                                   Đinh Văn Hồng
          Bài thơ ra đời khi ấy Đinh Văn Hồng chưa phải là một người sáng tác thơ như bây giờ mà đơn thuần chỉ là những dòng nhật kí viết vội những lúc buồn vui trên chốt 13 – Khau Chỉa (Cao Bằng) thuộc vùng biên giới phía bắc Việt – Trung nhưng không vì thế mà bài thơ kém hay và ý nghĩa.
          Mở đầu bài thơ ta bắt gặp hình ảnh rất đẹp, thi vị và nhiều tầng ý nghĩa.
“Buốt lạnh từng giọt sương

Màn đêm thay áo khoác
Điểm tựa con đứng gác
Súng cầm chắc trong tay”
          Khá khen cho cách dùng từ của người lính trẻ. Tuổi trẻ ngày nay hẳn mấy ai cảm nhận được cái giá rét của sương đêm giữa rừng ở vùng biên phía Bắc? Có chăng chỉ là sự cảm nhận miễn cưỡng từ câu chữ của các thi sĩ ghi lại. Và với Đinh Văn Hồng, anh cũng không trực tiếp thể hiện cái cảm giác giá buốt mà mình đang trải qua mỗi khi đứng gác mà giao hòa với thiên nhiên, nhân cách hóa lên một chút, người lính trẻ ngày ấy còn cảm giác “giọt sương” cũng “buốt lạnh” và thời gian đã quá trễ để màn đêm run rẩy khoác chiếc áo ấm khác cho mình hay cho người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
          Đêm ấy chắc chắn không phải là đêm đông duy nhất anh lính trẻ Đinh Văn Hồng đứng gác ở địa đầu Tổ quốc canh giữ biên cương trước âm mưu thâm độc của kẻ thù đang rình rập xâm lăng, nhưng đó là đêm đặc biệt:
“Chợt nhớ ngày hôm nay

Sinh nhật người lính già

Lúc này hẳn cả nhà

Quây quần vui ấm áp”
          Có thể hình dung nỗi nhớ nhà, nhớ cha của người lính trẻ cồn cào, da diết đến mức nào khi cả nhà đang “quây quần vui ấm áp” mà mình thì vẫn “còn làm nhiệm vụ”,“mắt nhìn căng bóng tối” mà “lòng bồi hồi nhớ quê”.
          Chiến tranh khiến bao gia đình ly tán nhưng hòa bình rồi vẫn còn nhiều người, nhiều nhà khó có dịp đoàn viên. Chấp nhận một mình gian khổ khi cả nhà ấm áp đó cũng là cách Đinh Văn Hồng thể hiện tình yêu, thể hiện trách nhiệm của một công dân với đất nước, và đặc biệt là lời hứa “Tổ quốc, quê hương luôn đặt trên gia đình” với cha già kính yêu. Vì vậy mà dù không về mừng sinh nhật cha như mong muốn nhưng người lính trẻ ấy vẫn an lòng bởi nhiệm vụ mà anh đang thực hiện chính là “món quà nhỏ tặng cha” với “muôn vàn lời thiết tha/ làm quà cho người lính bạc đầu qua chính chiến” ở nhà.
          Thật thú vị bởi món quà ý nghĩa ấy!
          Ngày nay, chắc hẳn những chiến sĩ trẻ đang thực thi nghĩa vụ quân sự mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê, mỗi dịp kỉ niệm của gia đình, người thân cũng sẽ như Đinh Văn Hồng ngày ấy, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, đơn vị tin tưởng giao phó và vô cùng lạc quan khi nghĩ về truyền thống tốt đẹp của gia đình.
“Nơi mảnh đất vùng biên

Con thay cha cầm súng
Có bóng cha đi cùng
Con như thêm đồng đội

Lời dạy cha đã gởi

Cho con yêu quê hương
Trên khắp nẻo chặng đường
Của một người chiến sĩ.”
          Món quà gửi người lính già lúc này dường như không còn là những vần thơ năm chữ giản dị cố gieo vần cho chuẩn của anh lính trẻ mới tập làm thơ mà đã thành khúc ca hùng tráng nhưng rất du dương gởi theo làn gió đêm anh hát tặng cha.
          Người đọc hẳn sẽ có chút hụt hẫng, bất ngờ khi khúc ca còn bỏ ngỏ bởi lẽ chắc anh đang còn tập trung cho nhiệm vụ nhưng sẽ vẫn cảm nhận trọn vẹn tình cảm chứa chan yêu thương mà Đinh Văn Hồng dành cho cha cùng lời hứa quyết tâm của mình.
          Đã 13 năm kể từ khi rời Hà Nội trở về quê hương thay cha thực hiện nghĩa vụ của người con trai trưởng đối với họ tộc, đã 18 năm vĩnh viễn không được bện cạnh người cha vô vàn yêu quý, và cũng đã hơn 23 năm rồi anh không còn cầm súng bảo vệ Tổ Quốc nhưng chàng thanh niên Hà Thành mang trong mình dòng máu kiên cường của đất người xứ Quảng vẫn mạnh mẽ can trường xông pha chiến đấu và phục vụ sản xuất trên mặt trận mới cũng không kém khó khó khăn và nhiều điều khốc liệt tại quê hương mình để tự hào gìn giữ truyền thống gia đình.
          Mỗi năm, đến ngày 22 tháng 12, ngày hội của lực lượng vũ trang, ngày hội của bao thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, anh thợ điện Đinh Văn Hồng công tác tại Công ty Điện Lực Quảng Ngãi hôm nay vẫn không khỏi ngậm ngùi nhớ về những kí ức tươi đẹp nhưng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của một thời trai trẻ. Và càng gần đến ngày ấy bao nhiêu thì kỉ niệm về người cha yêu dấu lại ngập tràn trong nỗi nhớ của anh bấy nhiêu.
          “Quà cho người lính già” của Đinh Văn Hồng vốn nằm yên trong tập nhật kí thời lính giờ được anh trang trọng đăng lên trên trang blog của mình nhân ngày kỉ niệm sinh nhật bố năm nay khiến nhiều người cảm động. Bài thơ bây giờ không những vẫn là món quà anh dành tặng cha mà còn là món quà rất ý nghĩa mà có lẽ Đinh Văn Hồng gởi tặng cho các bạn chiến sĩ bộ đội trẻ để nói hộ tâm trạng nhớ nhung gia đình và lòng quyết tâm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới hôm nay./.
                                                         Đầu Đông 2011
                                                      Cao Viễn Phương

MỘNG...RU

http://a9.vietbao.vn/images/vi955/2010/10/55333212-1287372582-hoi-chung-dem-tan-hon1.jpg
Em ru chiếc lá ngủ đông
Gió lay miền nhớ mênh mông thuở nào
Em ru khoảnh khắc ngọt ngào
Không gian tỉnh giấc xôn xao đợi chờ

Em ru tia nắng dại khờ
Chiếu vào cửa sổ làm mờ ánh đêm
Cánh tay người đã êm đềm
Cho em giấc ngủ bên thềm bồng lai

Em ru từng tiếng thở dài
Từng làn hơi ấm miệt mài ủ men
Lời ru khiến gió phải ghen
Luồn vào thổi tắt ngọn đèn vô duyên

Em ru một kiếp triền miên
Sóng đời dồn dập bên triền tương lai
Lắt lay kí ức phôi phai
Lời ru em đón ngày mai nắng hồng.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

CHẠM

Chạm vào nỗi đau buốt giá
Cơn mưa buồn ướt sũng má hồng duyên
Tự bao giờ ta triền miên
Ái ,ố, hỉ, nộ đeo liền cuộc sống
Người đi một khoảng mênh mông
Yêu trọn kiếp để đời không hối tiếc



Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

GIẤC MƠ KĨ NỮ



tamtay.vn - photo - Phụ nữ Việt Nam ngày xưa


Sài Gòn cơn mưa thác loạn
Trút ập xuống, tả tơi số phận
Cứ trao ai và ta cứ nhận
Trần trụi xác thân chân cầu, góc phố
Em run rẩy chân dài vóc ốm
Bán Sài Gòn... trả giá mỗi đêm
Cuồng quay xác thịt, trơ trẽn môi mềm
Lúc trống vắng mơ bên thềm hạnh phúc
Nỗi đau rưng rức
Hoài niệm một thời khao khát
Những chiếc lá trong đêm xào xạc
Kí ức thăng trầm theo nốt nhạc
Vòng tay hờ giả dối, yêu thương
Nỗi buồn vấn vương
Trỗi dậy theo nhịp rung - kẻ lạ
Nhầy nhụa cơn đau...Đêm Sài Gòn
Giấc mơ cỏn con
Mái ấm gia đình, hạnh phúc yêu thương !

KẺ ĐIÊN



http://cache.boston.com/multimedia/sports/bigshots/dakar_2011/bs20.jpg



Mưa
như tát vào mặt
kẻ điên…
ôm nỗi đau muôn thuở nghẹn ngào!
Lạnh cóng đôi tay, gió ào ào
Đường đua tốc độ phóng như lao
Ròng ròng nước mắt
cố vơi đi
Những hạt mưa như ngàn lưỡi dao
Cứa vào trái tim
Băm nát chông chênh cuộc sống
Kẻ điên – muốn thời gian vùn vụt
Đi về điểm cuối
Cuốn tung rác rưởi cuộc đời dưới bánh xe
Gầm rú xé rách bầu trời
Nóng rực và tê dại đôi chân lười biếng
Khao khát vật cản…tóe lửa mặt đường
Để trở về bằng đôi cánh – Thiên thần…
Bỏ lại tình yêu giãy dụa
Bởi cuộc sống không phải màu hồng dành cho kẻ điên.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

CHIỀU BUÔNG






Chiều rơi ánh tím, ánh vàng
Để cho lá cũng nhẹ nhàng sắc thơ
Chiều buông cơn gió thoảng mơ
Xôn xao lá hát rừng chờ bóng đêm

Bờ môi em mãi êm đềm
Ngân nga giao hưởng âm mềm nhớ thương
Chiều buông nỗi nhớ vấn vương
Giọt sương sớm đọng rừng dương ngút ngàn

Hàng sồi già... nhớ miên man
Trút ngàn lá đỏ chứa chan nỗi lòng
Còn anh lạc lõng trông mong
Tìm em chiều vắng má hồng nơi nao

Con đường trải nắng hanh hao
Tiếng chim chợt lắng biết bao nỗi buồn
Sương chiều hay nước mắt tuôn
Nhớ em, mưa ướt cánh chuồn... chơi vơi !

NGỦ ĐI EM



http://seablogs.zenfs.com/u/d30BZMyaHwNo_o6tQp35.w--/photo/20110804033844976.jpg


Lẳng lơ… tìm môi em
Êm đềm và dịu ngọt
Giọt sương nằm trên đọt
Lăn nhẹ làn mi hoen

Lẳng lơ gió hờn ghen
Mơn man làn tóc rối
Rừng thông như chẳng vội
Cứ thờ ơ ngó nhìn

Ngã ba nụ hôn tình
Chợt rung rinh nghiêng ngả
Màn đêm như hối hả
Đếm từng bước chân vang

Đất trời rộng mênh mang
Ôm choàng trao hơi thở
Tình yêu chợt hé nở
Ngã ba đường Măng Đen.

GIÓ ĐÔNG



GIÓ ĐÔNG

Tặng mẹ kính yêu mùa đông 2011

Đông về gió lạnh căm căm

Chỉ thương mẹ ở xa xăm ngút ngàn

Rưng rưng nước mắt con tràn

Chờ cơn nắng ấm muôn vàn yêu thương

Đem về sưởi những vấn vương

Cho mắt mẹ nhạt vạn đường chân chim

Mong sao gió bấc im lìm

Đừng đem buốt giá đi tìm… Mẹ yêu !

Bao nhiêu mộng ước con thêu

Giản đơn chỉ có một điều - nắng lên

Thay lòng con ở cạnh bên

Xua đi cái rét từng đêm mẹ nằm

Thay lòng con chẳng về thăm

Chỉ là hơi ấm phương nam nỗi niềm

Thay lòng con nhớ triền miên

Mẹ, con xa lắc một miền trời xa

Hà Nội ơi nhớ thiết tha

Dáng chiều phố cổ mẹ già ngóng con

Mắt nhìn trời đất héo hon

Mong xuân sớm đến lòng con bớt buồn.

LẠC GIỮA BIỂN ...



LẠC GIỮA BIỂN ...

Biển đêm con sóng xô bờ

Choàng tay ta đếm giấc mơ biển trời

Ngoài khơi chợt ánh sao rơi

Lặn vào đáy biển rối bời câu thơ

Xốn xang những phút đợi chờ

Em tìm anh giữa chơ vơ cuộc đời

Mỹ Khê gió hát thành lời

Ru bờ cát ngủ rạng ngời ánh trăng

Mắt em như ngọn hải đăng

Dắt đường anh cập bến khăng khít lòng

Kìa dây muống biển rối bòng

Hai nụ hoa nở như chòng ghẹo nhau

Bình minh tia nắng lấp sau

Một tà áo mỏng trắng phau nụ cười

Anh nhìn hồn bỗng chơi vơi

Tưởng mình lạc giữa biển khơi sóng tình.

TRẦN TRỤI ĐÊM


viethongdinh2657.jpg

Trần trụi tôi và bóng đêm

Phóng túng, thả lỏng, êm đềm chăn gối

Nơi xa ai còn bối rối

Nhớ nhau rồi lạnh lắm đôi môi

Trần trụi em, Trần trụi tôi

Chỉ có bóng đêm nhàn rỗi làm bạn

Quấn quýt, cuồng say, bạo dạn

Ngoài trời tiếng dế khóc than

Nỉ non, rả rích, chứa chan

Những nỗi nhớ mòn từng khoang rấm rức

Ta đi vào sâu kí ức

Bỏ lại chiếc giường thao thức ngóng trông

Trơ trọi giữa đêm mênh mông

Giật mình nhận ra khoảng không bạc bẽo

Trần trụi mình tôi lẽo đẽo

Đi trong giấc mơ ngặt nghẽo nỗi buồn

Cô đơn chợt lỏng tay buông

Mới thấy lòng nhạt giữa muôn ngàn nhớ

Trần trụi tôi và hơi thở

Còn lại bóng đêm…chẳng lỡ bỏ mình.

NHỚ EM

Nhớ sao là nhớ người ơi
Để tôi lặng đếm bầu trời sao rơi
Quắt quay rừng núi chơi vơi
Trăng đêm lặng lẽ đứng chơi một mình

Nhớ sao cả bóng lẫn hình
In vào giấc ngủ lung linh ngọt ngào
Nhớ làm cho gió xuyến xao
Sương đêm chợt tỉnh chiêm bao giấc nồng

Nhớ như biển lớn mênh mông
Sóng ôm bờ cát rừng thông ngút ngàn
Nhớ dài mặt đất thênh thang
Bên em anh nhớ không gian đất trời

Nhớ như ngàn vạn lá rơi
Của mùa đông tiễn thu rời bến xa
Nhớ như cả vạn loài hoa
Khoe triệu sắc thắm thiết tha cuộc đời

Nhớ sao là nhớ người ơi...!!!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

DÒNG SÔNG HẸN

Xuân về hẹn ước em ơi

Chờ ngày phượng đỏ thắm tươi duyên đầu

Bên nhau sóng bắt nhịp cầu

Một lời ước hẹn... dãi dầu yêu thương

Điệu hò bả trạo vấn vương

Vệ Giang xanh thẳm ruộng nương đôi bờ

Anh về hồn cứ ngu ngơ

Duyên quê vẫy gọi câu thơ ân tình

Triền đê ngủ giấc yên bình

Gom vào nỗi nhớ riêng mình mộng mơ

Nắng vàng buông gió vẩn vơ

Vén rèm mi khẽ đợi chờ tiếng oanh

Chút tình riêng qua lòng anh

Nửa treo trên ngọn tre xanh lưng trời

Nửa còn lại ở bến đời

Bồng bềnh kỷ niệm một thời yêu nhau.


Đinh Văn Hồng

BIỂN CHIỀU QUY NHƠN

Chiều nay sóng hát người ơi

Biển xanh xa thẳm nắng ngời hàng dương

Ta ngồi lặng ngắm bên đường

Chờ cơn gió thổi yêu thương ngập tràn

Mối tình si giữa Mộng - Hàn

Tiên Sa cát trắng ngỡ ngàng mắt em

Dinh Chúa Ngọc gió ru mềm

Lời thơ bay bổng êm đềm hoàng hôn

Người về có nhớ cô thôn

Sóng xô ghềnh đá sớm hôm gọi mời

Bờ môi tươi thắm trao lời

Cây bàng thay lá đầy vơi nỗi lòng

Chiều nay sóng vỗ mênh mông

Qui Nhơn biển hát đợi trông người về…

Đinh Văn Hồng

TÔI VÀ LY CÀ PHÊ

http://www.doinghieng.com/wp-content/uploads/2011/07/234254_1219043723.jpg


Những giọt cà phê thánh thót rơi
gõ theo nhịp quả lắc
của chiếc đồng hồ
tích tắc...tích tắc
thời gian ngưng lại
tiếng dương cầm bổng trầm
một mình... một ly, một gói thuốc
tất cả xung quanh đặc quánh đôi mắt
tiếng nhạc bỗng nhiên rã rời từng nốt
vụn vỡ những vui buồn bay theo khói thuốc
một mình trống vắng, một mình nhâm nhi
hỏi bao nhiêu đường sao cà phê nghẹn đắng
xung quanh những đôi tình nhân
nụ cười như dâng hiến cho màn đêm
xé rách không gian
một góc tối vẫn còn sót lại
tôi với ly cà phê và giấc mơ về nơi xa ấy.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

NỖI ĐAU DA CAM

NỖI ĐAU DA CAM


Bài đang trên tạp chí : NỖI ĐAU DA CAM kỉ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam/dioxin ( 10/08/1961 - 10/08/2011 )

Tại sao giữa ban ngày

Em không nhìn thấy nắng

Em thét la gào mắng

Em phải sống hóa thân

Xóa nhòa những căm hận

Xóa nhòa đi quá khứ

Chất độc da cam… cũ

Theo em suốt cuộc đời

Thân thể em rã rời

Vì căn bệnh thâm độc

Tuổi hai mươi vươn lộc

Khát khao như mọi người

Ước ao một nụ cười

Và tình yêu trong sáng

Em không hề ai oán

Vẫn hồn nhiên giữa đời.

Tôi lặng đi nụ cười

Dấu lệ buồn sâu thẳm

Ước chi đời bằng phẳng

Em không phải nạn nhân!

Biết đâu mình kết thân

Như bao người có thể

Tôi ước ao trời, bể

Chiến tranh không xảy ra

Và tình yêu đơm hoa

Trên ngôi nhà trái đất

Tôi và em không mất

Những nụ cười hồn nhiên.

Đinh Văn Hồng

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

VUI TRUNG THU CÙNG TRẺ EM NGHÈO VEN BIỂN




Dù rất mệt sau những áp lực cuộc sống nhưng cuối cùng spkd cũng quyết tâm dành vài dòng tâm sự với những trái tim nhân ái đã đồng hành cùng spkd suốt thời gian mấy năm qua.

Đầu tiên cho spkd được thay mặt chương trình " Trung thu với trẻ em nghèo ven biển " gửi tới các anh các chị, em lời cảm ơn sâu sắc và trân trọng nhất.

Trong khoảng 03 năm gần đây spkd rất vui khi tham gia vào cộng đồng blog. Nhất là được quen biết rất nhiều các anh, chị và các em. Tất cả đều vui vẻ và nhiệt tình cộng với những tấm lòng nhân hậu, chia sẻ với xã hội, với các hoàn cảnh khó khăn.

Cộng đồng blogger Quảng Ngãi cũng ra đời một cách tự nhiên để hòa nhập chung vào cộng đồng blog trong cả nước. Riêng spkd được may mắn và làm quen với rất nhiều người, nhiều tấm lòng nhân ái.

Quảng Ngãi là một vùng quê nghèo khó, đang từng bước cố gắng vươn lên, dẫu vậy vẫn còn quá nhiều khó khăn. Cộng đồng blogger Quảng Ngãi lấy trẻ em làm tâm điểm cho sự quan tâm của cộng đồng.

Những năm trước với sự khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng được sự quan tâm của bạn bè trong cộng đồng blog và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nên đã tổ chức thành công một vài chương trình cho trẻ em nghèo vùng núi, và các em khuyết tât, các em mồ côi, cơ nhỡ.

Năm nay công việc bận rộn với nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan nên Cộng đồng blogeer Quảng Ngãi dự định nghỉ ngơi, rồi spkd được chị Ngọc Điệp một blogger ở Cộng hòa liên bang Đức động viên " Làm được gì, thì ráng làm em ạ " một câu nói tuy ngắn nhưng nội hàm và giá trị quá cao đối với riêng spkd. Khiến spkd quyết tâm một lần nữa cùng Cộng đồng blogger Quảng Ngãi gồm những người bạn tâm huyết cùng nhau tổ chức chương trình ý nghĩa này.

Điều bất ngờ là khoảng thời gian hơn 3 tuần Cộng đồng blogger trong nước cũng như nước ngoài nhanh chóng ủng hộ. Với tinh thần làm cầu nối giữa những trái tim đến với nhau và góp một phần tâm huyết cũng như những gì có thể làm được. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ hơn 20 triệu đồng đây là một số tiền không nhỏ của những tấm lòng nhân ái đã tin tưởng trao cho Cộng đồng blgger Quảng Ngãi nói chung và spkd nói riêng.

Thời gian gấp rút Cộng đồng blogger Quảng Ngãi và spkd đã nỗ lực để đem đến cho trẻ em nghèo thôn Châu Me, xã Bình Châu, Huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi một đêm trung thu đầy ấm áp và ý nghĩa với trẻ em nghèo thôn bãi ngang ven biển này.

Sau đây spkd xin đăng một số hình ảnh vừa mới nhận được từ blgger CN gửi tới cho các bạn cùng chung vui với những trẻ em nghèo ven biển và những tấm lòng từ tâm của các anh chị , em blogger trong nước cũng như nước ngoài đã đến Quảng Ngãi.



Ngay từ những ngày khởi đầu, các em sv trường Đại học Phạm Văn Đồng đã bắt tay ngay vào làm lồng đèn.



Dưới anh sáng đèn đường sau một ngày đi học tối đến lại tập trung tại góc quảng trường cần mẫn gửi những niềm vui cho các em nghèo ven biển.





Khâu đóng quà cũng nhộn nhịp không kém các bạn làm lồng đèn...



Không phát hiện ra ai ăn vụng hết ta....





Bác tài xế cũng nhiệt tình tham gia xếp quà....



02 chuyến xe của Cty TNHH Minh Tuấn đã thành công trong khâu vận chuyển...



Khẩn trương bày mâm cỗ trung thu khi đoàn đến quá muộn so với lịch trình...



Cô tân SV với nụ cười bên mâm cỗ trung thu " Blgger Duyên 103 "



Ôi sao mà mờ quá, lỗi này của nhà báo Hữu Trung..." Blogger phamminhtv "



Ngôi sao rực sáng như những tấm lòng của các bạn blogger khắp mọi miền đất nước



Những cơn mưa thoáng qua là đặc thù của miền trung trong những ngày này...không một ai ướt bởi những tấm lòng, những trái tim đã làm ấm lên ...



Trẻ thơ, tương lai của đất nước đang lớn lên từ những trái tim nhân hậu của các blogger



Nhà thơ Hồ Nghĩa Phương khai mạc chương trình " blogger phuongthovan "



Nào ta cũng phá cỗ....



Năm nay chú Cuội và chị Hằng không phải các blogger chuyên nghiệp như năm ngoái nhưng cũng đã nỗ lực đóng góp cho thành công của chương trình...



Đội lân của chương trình múa rất chi là hấp dẫn và thực thu hút...


Cô giáo ơi ...hãy ổn định các em giúp BTC chương trình nào...



Góc các em mẫu giáo luôn được quan tâm nhất....



Pic ni nỏ có chi mô để nói he....



Tiết mục khai mạc của Trường tiểu học số 1 Bình Châu



Thạc sĩ - Nhà Thơ Phan Bá Trình " Blgger phanbatrinh " cũng không thua kém các bạn trẻ



Các tiết mục ảo thuật khiến mấy trăm con người trở nên im lăng....spkd cũng tròn xoe đôi mắt



Blogger CN nên trao quà cho các gia đình Thương binh, chính sách...



Spkd cùng các em học sinh nghèo vượt khó...



Quên nhỉ..gương mặt gạo cội và người đứng đầu Cộng đồng blogger Quảng Ngãi hôm nay trẻ hơn ngày thường...



spkd cùng đại diện hội sv Trường Đại Học Phạm Văn Đồng



Không trong đội văn nghệ nhưng em bé này hát rất thu hút khiến mọi người tán dương...



Con cò bé bé...mình cũng không muốn làm con cò già nữa...vui quá!



Không chen lấn...đèn ông sao đủ hết cho các em...



Gia đình Tiến sĩ Đinh Tấn Phước " Giám đốc sân bay Chu Lai " người luôn ủng hộ cho cộng đồng blgger Quảng Ngãi ...

Còn rất nhiều hình ảnh ở các máy khác chưa được cập nhật...

Mời các bạn tiếp tục theo dõi trên :

Chương trình thời sự của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ngãi.

http://www.quangngaitv.vn/index.php?option=com_truyenhinh&Itemid=122# ( chương trình thời sự tối ngày 12/09/2011 )

http://www.quangngaitv.vn/index.php?option=com_phatthanh&Itemid=66# ( chương trình thời sự đài phát thanh tối ngày 11/09/2011 )

Báo Quảng Ngãi

Web của UBND tỉnh Quảng Ngãi.


http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/bangtin/2011/65966/


Thay Mặt chương trình một lần nữa Cộng đồng blogger Quảng Ngãi xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ chương trình.