Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Nhảm sau nhiều ngày quay lại




Giá trị cuộc sống của mỗi con người không phải là tài sản vật chất mà là tình yêu thương giữa con người và con người.
Cho đi để được nhận về, cho đi để thanh thản sống và nhận về yêu thương.
Có người đã phí hoài cả cuộc đời dành cho bạn như cha, mẹ, như người yêu hay vợ vậy tại sao bạn lại không thể hiến trọn đời mình để trả khi bạn đã nhận.
Đất nước này , xã hội này ngày càng nhuốm bẩn sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, đạo đức ngày càng tha hóa suy đồi, mọi giá trị nền tảng đều lung lay.
Trong cơn bão ấy bạn cần đứng vững và chọn cho mình một con đường giữu mình và đấu tranh đừng để ngã gục.

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

MƯA....



MƯA....


Những cơn mưa thổn thức
Thấm dần vào lòng đất
Như nỗi nhớ âm ỉ bên trong
Đôi khi anh tưởng đã mất
Rồi bất chợt rất thật
Ào ạt quay trở về
Mang theo lời thề ướt sũng
Giữa vũng lầy trần gian
Thả cho hồn đi hoang
Xé thành muôn ngàn sợi
Anh đi tìm...
Tìm riêng cho mình nỗi nhớ
Đằng đẵng ngày đêm
Đời không bớt không thêm
Tình bao giờ vơi cạn
Anh gạn
Nước đục nước trong
Cho cơn mưa thuần khiết
Dành một ngày tắm em.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

11; 02 ngày 6/2/2017

11; 02 ngày 6/2/2017
Dường như số phận đang thử thách một con người, liệu có thể vùng vẫy mạnh hơn hay là chết trong đau đớn khi mà tất cả đều đóng cửa không có một nơi trú ngụ nào cho bản thân.
Tôi đã cố gắng tất cả những gì tôi  có thể!

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

LẠNH LÒNG...?




LẠNH LÒNG...?

Lạnh tê tái, cái hàn thử biểu cũng phát điên với ông trời nhảy nhót loạn xạ lúc 19 rồi xuống 17 và giờ 15 độ kèm thưa mưa ẩm ướt và rả rích 2 ngày trời khiến mọi thứ ỉu xìu đến ngay cả cái mặt đường nhựa rắn câng trước nhà giờ cũng có cái cảm giác mềm nhũn dưới những bánh xe lăn.
Người ta bảo nóng phát điên chứ chưa nghe ai bảo lạnh phát điên bao giờ, vậy mà cái cảm giác điên điên ấy cứ chập chờn xuất hiện cứ y như là là cái bóng đèn điện nhấp nháp sáng tối khi bị move vậy.
Cái lạnh từ đâu trong cái cơ thể vốn sống và chịu đựng nơi giá lạnh biên thùy của một thời trai trẻ với mảnh áo bông đứng gác một mình trong đêm tối mắt căng ra, tai dỏng lên trong gió rít rừng cây nghe từng tiếng động dưới chiến hào.
Lạnh trong cái rét đậm, rét hại của một thời thơ ấu với cái áo mút mẹ đan bên trong chiếc sơ mi trắng đến trường với hai má rám lại, môi nứt nẻ đến chảy máu với đôi chân sưng cước lên trong đôi tất bộ đội lỏng toạch được mẹ dùng sợi dây thun quần khâu lồng trên cổ tất.
Lạnh khi con người phải đấu tranh giữa sống chết nơi giường bệnh sau ca mổ...
Nhưng cái lạnh nào cũng có thể vượt qua trừ cái lạnh hôm nay.
Cái cảm giác buốt giá trong tâm hồn khi tình cảm giữa con người với con người không còn là một món ăn quý giá trong bữa tiệc cuộc đời.
Cái lạnh ảo ảo, thật thật giữa những điều xảy ra và chưa xảy ra trong cuộc sống cứ đập vào đôi mắt vốn đã chịu đựng nhiều nỗi buồn ngang trái.
Hoa hồng và rượu vang liệu có đưa con người quên được cái lạnh bất ngờ thế không, liệu chocolate có ngọt ngào trong miệng để quên đi những kỉ niệm vốn chả thể nào quên không?
Con người có thể không quên nhưng lại không nhớ những gì đẹp nhất để khiến mọi thứ trở lên lạnh lùng trước mọi thứ xảy ra.
Cây mai vàng nở rộ cứ tả tơi trong mưa gió với những cánh vàng xót xa phủ kín quanh gốc, ừ tại mưa đấy. Nếu không mưa thì gió đã cuốn xa.
Cái nụ hôn bất ngờ khiến bản năng bị đánh thức và bỏng cháy liệu có đủ sưởi ấm cõi lòng con người khi gió mùa đông bắc tràn về khiến bao người rung động khi đứa trẻ lên ba cởi truồng trong giá rét.
Đâu đó vẫn có người tự ru lòng mình bằng niềm tin rằng dù mùa đông vẫn có cậu bé bán diêm ngồi trước cửa.
Riêng mình ở nơi không lạnh mà lòng lạnh đến khốn cùng.
Ai đó có thể như chú chim di cư tránh rét mà trốn đi cả ngày vào nơi ấm cúng thì vẫn có ai đó ngồi lạnh lẽo đếm thời gian trôi mong ngóng điều kỳ diệu đem lại trong cuộc sống.
Năm tháng luôn đi kèm với tuổi tác con người, tuổi già và tuổi trẻ tuổi nào dành cho ta khi con đường thênh thang phía trước và con đường cong queo gai góc, chật chội bởi những lùm cây và dây dại bao quanh.
Cái lạnh muôn đời vẫn thế nghiêng về tuổi già bởi tuổi trẻ không quên nhưng chẳng nhớ.
Ngoài kia giò lan nở trắng muốt đang vật mình trong mưa gió, liệu màu trấng trinh nguyên ấy có giống màu tuyết ở Sa Pa, Mẫu Sơn hay Pia Oắc không nhỉ, chợt nhớ màu hoa trắng đã yêu và gửi trọn hồn nơi ấy.
Thèm đôi bàn tay, làn môi ấm tràn căng nhựa sống tuổi thanh xuân, thèm cái ngọt ngào bên tai trong hơi thở dồn nhịp nhưng tất cả đã xa vời vợi bởi mắt nào có thể nhìn xuyên qua màn sương đặc quánh nỗi cô đơn.
Bên kia đường nhà ai cúng tất niên và chợt một giọng ca nhừa nhựa của men say cất lên - Cuộc đời này vẫn thế, có yêu nhau chỉ là để yêu nhau...
Cái lạnh ơi muôn đời là thế! Đâu nụ cười, đâu ánh mắt trao nhau...ta cứ thế nhìn vào màn hình trước mặt mà quên đi lạnh lẽo bên ta.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

ĐIÊN À ( Sao lại ghét chúng tôi )

ĐIÊN À ( Sao lại ghét chúng tôi )

Điên m...nó hết , một ngày bực bội và khrồió chịu đủ thứ trong người lại gặp cái tin nhắn.
- Sao chú lại thích lạnh, thích tuyết?
- Cháu ghét những người thích điều ấy
- Cháu không thích mọi người nên chỗ cháu
- Mọi người có nhìn thấy những đứa trẻ chân trần trong tuyết lạnh với tấm áo phong phanh không?
Ơ...á chuyện bạn ghét ai yêu ai liên quan đếch gì đến tôi, đất nước này thiên nhiên ban tặng bao điều lạ và đẹp, chúng tôi quần quật lao động và chúng tôi có quyền được hưởng thụ những thứ chúng tôi thích, những nơi chúng tôi muốn đi, sao lại ghét.
Những đứa trẻ ở đâu chả có những đứa trẻ không đủ ăn, đủ mặc trong xã hội này, bố mẹ chúng không muốn chúng cũng không muốn.
Sự sống và hạnh phúc là do mỗi người nỗ lực dành lấy, sự chia sẻ cũng có giới hạn chứ chúng tôi không phải là chúa trời mà chúa trời cũng chả thể làm gì hơn được nếu khí hậu khắc nghiệt và điều kiện thiên nhiên không ưu đãi sự chung tay góp sức của xã hội chỉ là một phần nhỏ còn cái chính phải ở bản thân mỗi con người chứ sao lại bắt chúng tôi không được chơi, không được cười nói những nơi ấy, bạn có biết chúng tôi tuy chỉ sống tốt cho mình cũng là đóng góp cho xã hội rồi không?
Trăm người vui vạn người khổ ư...thế bạn làm gì để giúp những đứa trẻ ấy nơi vùng cao giá lạnh ấy?
Trăm người cười đón tuyết Sa Pa trong đêm dừng lại liệu vạn người kia có bớt khổ không?
Mà bạn này, bạn có muốn nghe một bí mật không?
Cái nơi bạn rên rỉ đói nghèo ấy vẫn còn hạnh phúc chán so với một và số hoàn cảnh của chúng tôi nơi đô thị, thành phố sầm uất bạn biết vì sao không? Nơi bạn ở mới chỉ nghèo nhưng không đói và không sợ hãi với nguy cơ phải chết đói vì còn vào rừng đào củ mài, hái rau rừng, măng rừng ăn tạm qua ngày, còn chúng tôi ở thành phố nhà hết gạo chỉ biết vay mượn, vay mượn không được chỉ biết nhịn rồi mai lại lê ra lề đường , góc phố tiếp tục mưu sinh, chúng tôi không thể cậy đường nhựa nên ăn được bạn ạ.
Đấy hạnh phúc và sẻ chia đấy, chẳng lẽ vì thế chúng tôi ghét hết mọi người và không cho ai đến , không cho ai vui cười được sao?

Tự tâm mỗi con người hãy suy nghĩ !



Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

TẾT LÍNH




Tết lính và những kỉ niệm của một thời trai trẻ cầm súng khó có thể kể hết được nhưng đây là một cái tết lính có chung kỉ niệm lớn nhất với rất nhiều người trong đó có nó.
Trong cuộc sống cứ nhắc tới tết là người ta nghĩ đến tết tây ( dương lịch ) hay tết cổ truyền ( âm lịch ). Nhưng với tôi và không ít người trên đất nước này có thêm một ngày tết riêng cho thời trai trẻ của mình hiến dâng cho Tổ quốc bên ba lô và cây súng. Mùa đông biên giới trên các cao điểm lạnh buốt giá bỗng xôn xao nhộn nhịp làm không khí như ấm hẳn lên. Ngày mai 22/12 ngày tết lính, khác với mọi cái tết bởi nó không có bánh chưng, không câu đối đỏ vậy mà cả doanh trại háo hức dọn dẹp vệ sinh trang trí cho thật đẹp bằng những đôi tay tài hoa của người lính và hoa dại nơi rừng sâu những tờ báo tường được viết và trang trí đa dạng màu sắc và hoa văn rất lính ấy khiến nó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người. Gần nửa năm cả đơn vị chưa biết đến mùi vị của miếng thịt, bữa cơm chỉ toàn muối trắng và canh bằng đậu tương được anh nuôi chia rất chính xác mỗi mâm 2 muổng hạt đậu tương và còn lại là nước, rau rừng thì mâm nào mâm đó tự cải thiện nhờ sự chăm chỉ và may măn củ núi rừng và thiên nhiên. Tết phải khác, tiểu đoàn được nhận hẳn một con lợn to tại hậu cần sư đoàn cách nơi đơn vị đóng quân 30km đường rừng. Vui quá, háo hức quá đi chứ, lợn chưa đi nhận về mà cánh lính đã ngồi tả các loại món ăn chế biến từ nó khiến ối anh yết hầu cứ chạy lên chạy xuống vì nuốt nước miếng thèm trong cảnh chờ đợi. Lâu lâu lại chạy ra ngó xuống con đường mòn dưới chân núi xem cánh nhận lợn đã về chưa... Lợn chưa về mà cả đơn vị bỗng bừng lên náo nhiệt khi đoàn Dân - Chính - Đảng của huyện lên thăm, đây mới thực sự là tết khi cánh lính nhà ta thây những cô gái trẻ trong đoàn, chuyện lợn, chuyện ăn giờ như quên lãng, từ cởi trần, quần đùi chỉ máy phút chả ai nhắc tất cả đã tinh tươm quân phục mới nhất, sạch nhất và lành nhất được mang ra khoác lên người, đoàn làm việc với ban chỉ huy mà sân tiểu đoàn cánh lính lượn như đèn cù, lẩm nhẩm đêm thấy ( Đại đội ) nào cũng có một vài anh xuất hiện. Sân tiểu đoàn hôm nay có vẻ mới lạ bởi sự xuất hiện của các cô gái văn công và đặc biệt nhất là một chú bò to được cột ngay gốc cây móc mật khiến nóng càng thêm nóng, giá lạnh mùa đông hình như biết thế mà tránh đi nơi khác. Rôm rả bàn tán văn nghệ sẽ diễn ra ở đại đội nào và trong những khuôn mặt vui mừng ấy không ít nỗi lo âu của tất cả bởi ai cũng có thể rơi vào phiên gác, trực ban đơn vị... Nỗi lo ấy rồi cũng thấu tận trời xanh nên thằng Tiến lé liên lạc viên tiểu đoàn lượn xuống báo tin, đoàn văn công sẽ có mặt đều cả 3 đại đội giao lưu và văn nghệ, con bây giờ các C cử người lên tiểu đoàn bộ tham gia thịt bò và nhận phần. Nó nói xong cánh lính như được dùng doping bỗng rú lên nhảy nhót , hát hú vang cả một góc núi. Niềm vui tới tấp niềm vui khi thịt về và đại đội quyết định từng trung đội tự chế biến theo điều kiện của trung đội chứ bếp ăn đại đội nghỉ chỉ cơm canh như mọi ngày. Sướng ôi là sướng với quyết định sáng suốt ấy, mới nghe thôi mà cánh lính đã phân công nhau vào rừng kiêm gia vị và rau để chế biến. Thịt về thằng Trung phệ nhăn nhó vì chia trên tiểu đoàn không đều và phần nhiều thịt phần ít thịt nhiều xương, giờ nó càng nhăn nhó hơn khi đống thịt xương đổ ra sân và nó lại phải chia...Cứ xe xong một miếng thịt to là nó lại cầm trên tay nâng nâng ước lượng và mắt nheo tít lại như ngắm bắn để đong đo rồi vứt làm 3 phần, miệng nó lầu bầu chửi ( mẹ cha nó , ông đố thằng giáo sư, tiến sĩ nào mà chia được cho bằng nhau trong cái cảnh không có cân như thế này ). Cánh lính thì vây xung quanh hối thúc nhanh để còn chia tiếp thịt lợn và nấu ăn cho kịp. Tiểu đội nó vốn quậy nhất đơn vị bởi sự bạt mạng cũng như hào hoa trong cách ăn, cách chơi ngày lễ tết. Nhưng hôm nay co cụm thì thào rất bí mật, và quyết định đưa ra là bộ quân phục vừa bóc tem của nó và chiếc chăn quân nhu của thằng Dũng híp phải hy sinh để mang xuống bản đổi rượu. Thôi rồi còn đau đớn nào hơn khi chia tay bộ quân phục xanh rì mới coóng lại nhất là có gái xinh xuất hiện...nhưng luật lệ là thế cấm cãi. Nghe thế nó chỉ biết ngậm ngùi vào cởi bộ quân phục mới toanh ra đưa cho thằng Chiến lùn đi xuống bản. Chiều tối hôm nay vui nhất cơm rượu thịt nhờn môi, mặt thằng nào thằng nấy rạng rỡ như hoa mặt trời, lạnh cũng ăn thua, gió cũng không ăn thua, sân đại đội đã dựng xong sân khấu...Nó được chính trị viên phân công lên đọc bài thơ “ Điểm Tựa “ của bác Hữu Thọ, ngồi ôm cuốn sổ tay nó lẩm bẩm tụng kinh chờ đến giờ G. Tối thật vui, ánh lửa bập bùng đèn măng xông sáng rực, nhìn vào màn đêm những vệt đèn pin loang loáng xẻ ngang, xẻ dọc khắp 1 vùng đơn vị đóng quân. Tiếng hát âm vang núi đồi, chỉ có đàn và hát đơn ca, đồng ca, múa các loại chẳng có dàn âm thanh khủng như bây giờ nhưng tiếng hát sao mà cao vút lên tầng không xé tan sương mù, xua bật gió rét. Tới nó lên biểu diễn, nó bước thật hùng dũng và bước lên cái sân khấu tre nứa ấy bỗng nghe cái roạc, đầu gối nó mát lạnh gió cứ theo đó mà hành quân luồn sâu vào bộ chỉ huy. Mặt nó đỏ dừ, nữa muốn lui xuống đi kiếm cái quần khác thay nhưng tiêng la hét và vỗ tay của đồng đội như đẩy nó lên sân khấu. Không thể lùi được nó quyết tiến lên hoàn thành nhiệm vụ. Bài thơ “ Điểm Tựa “ vốn là bài tủ của nó lên nó cũng không khó khăn cho lắm để hoàn thành. Đọc xong bài thơ đến bài tự nó sáng tác, giờ nó dạn dĩ và tĩnh bơ khi áp lực trống gối chỉ là chuyện nhỏ. Tiếng ghi ta đệm của anh Mông Văn Dâng hòa vào giọng đọc khiến không khí trầm lắng lại sau hai bài thơ ấy. Cô gái Tày vừa hát xong điệu then chạy ra chỗ nó nói chuyện, nó vênh ngực tự hào trong con mắt thèm thuồng ganh tị của ối thằng. Đêm như mềm hơn khi tất cả ngồi quây quanh đống lửa bập bùng tự hát hò và tâm sự, giao lưu, riêng nó cứ ngồi lâu lâu lại cái áo bông trấn thủ ủ lấy đôi đầu gối khiến nó mất tự tin khi có thêm cô bạn mới bên cạnh. Giá như thế này cho đến sáng thì đêm đông hôm ấy đẹp biết bao nhiêu. Vòng tròn bỗng nhiên cứ lác đác tan vỡ ngắt quãng với khuôn mặt nhăn nhó của những người đứng dậy chạy vội vã như có báo động. Ngày càng nhiều bật dậy lao như điên vào rừng sâu. Ngộ độc, ngộ độc tập thể bởi trong đám rau dại và nấm rừng ấy có một loại nấm độc, nhưng may mắn số lượng ít không gây tử vong. Cả cái bệnh xá 18 của sư đoàn nằm la liệt lính đại đội nó và 1 phần đoàn văn công trong đó có đủ các thành phần từ thủ trưởng cho đên lãnh đạo huyện. Người nào khỏe thì vài ba ngày xuất viện về còn lại thì người một tuần, người chục ngày. Nàng Thúy văn công cũng yếu như nó và hình như cả hai đều muốn yếu nên bịn rịn nằm lại hơn chục ngày. Nó quen nàng từ ấy và chuyện của nó với nàng hình như đã tiêt lộ từ chuyện “ Cho một thời tôi yêu “với cả nhà rồi. Tết lính và những kỉ niệm của một thời trai trẻ cầm súng khó có thể kể hết được nhưng đây là một cái tết lính có chung kỉ niệm lớn nhất với rất nhiều người trong đó có nó. Một cái tết không có sự chia tay, tiễn đưa và những cái ôm quyến luyến như tết trước nhưng nhớ mãi ...nhớ mãi không bao giờ quên.