Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

GẶP GỠ

               
                               ( Kính tặng các thầy cô giáo của tôi nhân ngày Nhà Giáo 20/11 )

                                                        

Chợ chiều tấp nập và vội vã, ai cũng tranh thủ mua cho mình một chút thức ăn cho bữa tối ấm áp cùng gia đình. Nó thì khác hẳn mọi người trong cái không khí nhộn nhịp ấy…Lững thững dạo chợ chỉ để cảm nhận cuộc sống nơi đây sau một thời gian dài xa cách, chợ với nó là nơi tập trung những khuôn mặt thân quen với đủ lứa tuổi trong cái khu tập thể Kim Giang này.

Dạo chợ với nó như là một lời chào hỏi mỗi khi về phép, bởi lẽ nó chẳng bao giờ đủ thời gian để đi gặp tất cả mọi người mà nó quen biết trong khu tập thể này. Cái không khí đặc trưng của chợ không xa lạ với những bà nội trợ, riêng với nó lại cảm nhận đủ cái mùi vị của cuộc sống toát lên từ các gian hàng và hòa vào với nhau – Mùi chợ!
Chật chội, ồn ào và chen chúc nó len lỏi thoát ra khỏi các gian hàng tạp hóa qua bên chỗ bán thực phẩm định bụng mua thêm chút gì đó về nhà dù nó vẫn biết mẹ và em dâu đã mua rất nhiều thức ăn, những món mà nó yêu thích để mừng nó về phép.

- Cô bán cho tôi 3 lạng chả quế nhé

- Vâng bà chờ con cân ạ

Đang đi qua chợt nó khựng lại bởi tiếng nói quen thuộc trong tiềm thức trỗi dậy, nó quay lại nhìn kĩ một bà già với chiếc áo măng tô đang đứng cạnh chiếc xe đạp bên hàng giò, chả.

Ngờ ngợ và rụt rè nó khe khẽ hỏi

- Xin lỗi cô…cô có phải cô Thư không ạ?

- Vâng đúng rồi…em là?

Nó mừng rỡ trả lời bàn tay nó cầm lấy đôi tay gân guốc của cô mà lay mạnh, như cố để cô nhớ lại nó.

- Dạ ! Em đây, em là Hồng đây cô, Hồng lớp 7A ngày xưa cô dạy văn…cô còn nhớ không ạ?

Sau một chút suy nghĩ bà giáo già chợt nhận ra

- Hồng…Cô nhớ rồi, Hồng trắng lớp 7A phải không ?

Nó đón chiếc xe đạp từ tay cô và dắt ra khỏi chợ, vừa đi vừa hàn huyên. Cô hỏi thăm nó đủ mọi thứ về cuộc sống và gia đình, những kỉ niệm hơn 20 năm trước ào ào trỗi dậy khi cô và trò nói chuyện.

Ra tới hàng hoa cổng chợ nó khe khẽ nói

- Cô ơi em công tác xa nhà nên em ít có dịp về thăm…Gặp cô ở đây em mừng lắm, dẫu hôm nay không phải là ngày nhà giáo Việt Nam nhưng em xin phép cô cho em được tặng cô một bó hoa để tỏ lòng tri ân cô nhé!

Nó dựng xe và hỏi mua một bó hoa lay ơn trắng, loài hoa cô thích mà bất chợt nó nhớ được.

Chia tay cô trên đường về nhà nó như trầm hẳn lại sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Vừa đi nó vừa nghĩ…Cuộc đời nhà giáo chở biết bao chuyến đò, hêt thế hệ này đến thế hệ khác đến rồi đi, và nó đã trưởng thành qua bao nhiêu thầy cô từ khi đi học đến giờ, nó bắt đầu lẩm nhẩm tính …không nhớ hết nổi!

Vậy mà cô vẫn nhớ nó, nhớ cả cái biệt danh “ Hồng trắng “ mà bạn bè nó đặt cho. Bỗng nhiên nó thấy mình có lỗi không chỉ với cô mà tất cả các thầy cô đã dạy nó. Ừ ! Tại sao lâu lâu không gọi một cuộc điện thoại hay đến ngày 20/11 hàng năm viết một cái thiếp chúc mừng gửi cho các thầy cô nhỉ…Những thứ ấy tưởng như đơn giản so với những cuộc tiếp khách ngồi đờ cả lưng cùng với hóa đơn thanh toán gấp nhiều lần vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, vậy mà nó và không ít người lãng quên không làm được điều đơn giản ấy!

                                                                                                      Viết trong đêm tháng 11/2012

                                                                                                                  Đinh văn Hồng

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

BÀNG ĐÊM


Khi mặt trời sểnh chân
Ngã phía sau đỉnh núi
Thời gian chia từng múi
Cho các cặp tình nhân

Chỉ còn anh cây bàng
Cô đơn và úa lá
Tím sắc màu vội vã
Chờ đêm của riêng mình

Khi vạn vật chùng chình
Nhẩn nha cùng hạnh phúc
Bàng đớn đau từng khúc
Ứa nhựa tràn trời đêm

Gió vô tình thổi thêm
Làm nhựa lòng khô cứng
Sương khuya nào đủ hứng
Mềm giọt buồn xót xa

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC BẮT NGUỒN TỪ GIÁO DỤC




Nền tảng đạo đức bắt nguồn từ giáo dục...Khi mọi thứ giá trị đang quay cuồng hội nhập cái cảm giác bất an mỗi ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về mặt trái của xã hội hay còn gọi là phần chìm của tảng băng đang tan dần trong đời sống con người, và không ít người thờ ơ coi đó là điều tất yếu của quy luật phát triển.

Hơn lúc nào hết vai trò của giáo dục cùng sự kết hợp thật sự giữa gia đình, nhà trường và xã hội là liều thuốc giảm đau cần thiết lúc này. Sự kết hợp không thể mang tính hình thức hay sao nhãng mà cần đúng và đủ liều lượng cho một thế hệ phát triển trong tương lai.

Bạn không thể phó mặc con cho nhà trường để làm nhẹ gánh cho mình với sự lăn lội, chìm ngập trong công việc để kiếm tiền và luôn miệng nói với con sự vất vả ấy vì con và lo cho con, chính điều ấy đã khiến con mình đang trong độ phát triển cảm thấy hụt hẫng và đơn độc, điều trẻ cần chính là sự ân cần quan tâm đúng mực của bạn với đời sống hàng ngày của lứa tuổi đang hình thành tư duy và nhân cách.

Nhà trường lại càng nặng nề hơn với vai trò chuyển tải kiến thức, giáo dục cách sống, cách nhìn cho trẻ. Làm được điều này khó hơn phẫu thuật một khối u ác tính bởi đội ngũ giáo dục cũng là con người bình đẳng như mọi người và các ngành nghề khác " Có thực mới vực được đạo "  họ cũng phải vật lộn với cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Ta cứ nói nâng cao đạo đức và chuyên môn, bồi dưỡng tập huấn, hội giảng...v..v... nhưng lại quên đi cái cần thiết cho một người lái đò chở sinh mệnh của cả xã hội ấy đang thiếu sự quan tâm đúng mực khiến nghề giáo lung lay bởi một bộ phận không nhỏ phai nhạt niềm tin và nghị lực cũng như lòng yêu nghề.

Xã hội đang vận động với sự phát triển chóng mặt bởi nhu cầu đòi hỏi con người, trong ấy có cả mặt tốt và xấu song song tồn tại và phát triển. Sự sàng lọc không thể dễ dàng nhận biết để cho bất cứ ai tránh được sai lầm, ngay cả bản thân người lớn còn vướng phải vòng luẩn quẩn ấy nói gì những đứa trẻ chưa đủ tư duy nhận biết. Vậy điều cần thiết cho trẻ chính là môi trường xã hội lành mạnh và phát triển, mà môi trường ấy chính là gia đình và nhà trường nơi đứa trẻ gắn bó thời gian hàng ngày.

Nền tảng đạo đức bắt nguồn từ giáo dục...Khi mọi thứ giá trị đang quay cuồng hội nhập cái cảm giác bất an mỗi ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về mặt trái của xã hội hay còn gọi là phần chìm của tảng băng đang tan dần trong đời sống con người, và không ít người thờ ơ coi đó là điều tất yếu của quy luật phát triển. Mọi sự ngụy biên của người lớn sẽ để lại hệ lụy không nhỏ cho mai sau, liều thuốc hữu dụng là sự trầm mình xuống và suy nghĩ của những người có trách nhiệm các thầy cô và cha mẹ của trẻ. Để xây dựng một thế hệ tài năng kế thừa những gì mà thế hệ đi trước mong muốn và để lại. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

                                                                                                           Đinh Văn Hồng