Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

SÁNG MAI

Tối trời đâu phải tại đêm
Tại mình lạc lõng vô duyên một mình
Người dưng sao có bóng hình
Nghĩa tình sao lạc lung linh nỗi gì
Trách vầng mây xám làm chi
Trách tôi bạc phận suy vi tình nồng
Nghĩ người ta ấy tỉnh không
Ngần ngừ chi để mênh mông u sầu
Với trăng tôi đội lên đầu
Tỏa vầng ánh bạc để chầu tình yêu
Lung linh chợt tắt mọi điều
Mây đâu chợt khoác cánh diều đen thui
Nửa đêm mượn rượu làm vui
Nửa đêm chợt thấy say mùi thế nhân
Men cay cho dạ bần thần
Nhớ người tôi cứ tần ngần trong đêm
Uống cho quay quắt say mềm
Ruột gan vứt hết ra thềm bồng lai
Biết đâu rồi đến sáng mai
Mặt trời ngái ngủ nắng khai duyên về

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

TIẾNG NẠNG GỖ TRONG ĐÊM


Lốc cốc... vang trong đêm
Tiếng chân
Một thời theo chiều dài đất nước
Anh trở về với niềm mơ ước
Hòa bình rồi
Sống với ruộng đồng thôi
Thời gian trôi
Đất nước trở mình
Đôi nạng gỗ không còn linh hoạt
Ruộng bây giờ thành phố
Nhà cửa nhấp nhô
Người lính xưa
Hóa mình thành người bán dạo
Tiếng rao...nhức nhối vết thương
Đêm hầm hập bê tông như một thời lửa đạn
Mồ hôi chan nụ cười vẫn mở
Tôi đứa trả thời hậu chiến...bỡ ngỡ
Tò mò theo dấu chân người anh hùng một thuở
Vẫn anh hùng trong cuộc sống hôm nay
Chỉ có điều vẫn còn day dứt
Tiếng nạng gỗ khiến tôi về thao thức
Nhận ra một điều
Đất nước đi lên nhờ tiếng nạng trong đêm
Còn bao kẻ trong nệm ấm chăn êm
Chợt lãng quên
Tiếng lốc cốc bên thềm cuộc sống.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

MẤT MÁU SỐNG RA SAO

 


Lâu nay nhìn bề ngoài những viên chức trong hệ thống thang bảng lương nhà nước so với người lao động khác ai cũng có ngay cảm nhận " Không giàu nhưng mà sang " bởi cách ăn mặc nề nếp và sinh hoạt giờ giấc trừ một số cơ quan đơn vị đặc thù.

Có lẽ cái lam lũ của người lao động ngoài hệ thống lại mang tính lợi ích thiết thực bởi sự tích lũy thu nhập và ý thức cao hơn.

Còn những viên chức với mức thu nhập bình quân 2 đến 3 triệu đồng tương đương với một bà bán rau lam lũ ngoài chợ hay anh phụ hồ xây dựng lại vô cùng bấp bênh không phải chỉ vì giá cả sinh hoạt mà vì họ bị mất máu nội tại bởi ngay hệ thống chính quyền nơi họ sống và làm việc.

Sự mất thu nhập và nguồn dự phòng tái tạo sức lao động bởi hàng loạt các loại thu phí dưới hình thức " tự nguyện " theo các phong trào mà cơ quan hay địa phương đề ra....

Ta thử lấy một vài ví dụ nho nhỏ để chiêm nghiệm cái cơ chế đang bóp chết chính những tế bào là người nuôi dưỡng và hình thành nó bởi sự phân biệt và cách nhìn không hề logic bởi các cái đầu điều khiển cơ thể này.
Sau hàng loạt các khoản thuế công ích bắt buộc và các khoản phí đẻ bảo đảm cho tương lai như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy thiết thực thì người lao động trong hệ thống phải è cổ gánh những khoản phí của các tổ chức đoàn thể , xã hội  mà họ không thể không tham gia khi nằm trong hệ thống. Thêm nữa cái phong trào khác cũng làm tổn thất một lượng máu không hề nhỏ mà tôi ví dụ thử dưới đây tuy khập khiễng nhưng lại thực tế vô cùng.

Một cơn bão lũ, dù trong nước hay thậm chí xa lắc lơ ở nước nào đó ngay lập tức với tinh thần lá lành đùm lá rách đều được huy động ngay bởi những người lao động trong hệ thống, điều này thật tốt nhưng với mức thu nhập của họ lại bị thu làm nhiều lần như ở cơ quan trừ một ngày lương ủng hộ, về địa phương tiếp tục bị chính quyền tới vận động đóng góp , tiếp đến con cái xin tiền để ủng hộ theo phong trào của nhà trường. Hay như chính quyền cấp tổ dân phố muốn xây dựng nhà văn hóa của tổ thì họp dân và ra nghị quyết buộc đóng góp " Đảng viên : 900.000 , Nhân dân :600.000 " bởi anh là Đảng viên chứ không phải nhân dân, dù quyền và lợi ích hợp pháp của anh cũng chỉ là những công dân như bất cứ ai...Ngoài ra các viên chức là nguồn đóng góp thay cho nhân dân trong mọi hoạt động của địa phương để địa phương hoàn thành các chỉ tiêu tự đề ra..v....v...chính sự bất cập này đang hút máu và làm khô héo mầm sống của viên chức nhà nước và đẩy họ lung lay trong hệ thống, khiến sức lao động không được bồi bổ và tái tạo.

Lao động để sống và tiếp tục lao động đó là vòng tuần hoàn của quy luật, nhưng với cơ chế hiện nay những người lao động thực thụ trong hệ thống lương nhà nước lại lay lắt bám trụ bằng niềm tin bới cái áo khoác ngoài của hệ thống mà họ là các tế bào.

Hy vọng sắp tới với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo sẽ cải thiện được sự chênh lệch bởi lương và giá cũng như các cách điều hành hoạt động hợp lý hơn để mọi người dân đều có quyền bình đẳng như nhau  chứ không phải cảnh đi chợ người bán hàng nhìn quần áo cách ăn mặc để định giá, hay các phong trào ủng hộ có sự phân biệt và tái thu nhiều lần như hiện nay. Khi lượng máu đầy đủ thì nó sẽ nuôi cơ thể tươi tốt hơn, khỏe mạnh hơn.