Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012
GẶP GỠ
( Kính tặng các thầy cô giáo của tôi nhân ngày Nhà Giáo 20/11 )
Chợ chiều tấp nập và vội vã, ai cũng tranh thủ mua cho mình một chút thức ăn cho bữa tối ấm áp cùng gia đình. Nó thì khác hẳn mọi người trong cái không khí nhộn nhịp ấy…Lững thững dạo chợ chỉ để cảm nhận cuộc sống nơi đây sau một thời gian dài xa cách, chợ với nó là nơi tập trung những khuôn mặt thân quen với đủ lứa tuổi trong cái khu tập thể Kim Giang này.
Dạo chợ với nó như là một lời chào hỏi mỗi khi về phép, bởi lẽ nó chẳng bao giờ đủ thời gian để đi gặp tất cả mọi người mà nó quen biết trong khu tập thể này. Cái không khí đặc trưng của chợ không xa lạ với những bà nội trợ, riêng với nó lại cảm nhận đủ cái mùi vị của cuộc sống toát lên từ các gian hàng và hòa vào với nhau – Mùi chợ!
Chật chội, ồn ào và chen chúc nó len lỏi thoát ra khỏi các gian hàng tạp hóa qua bên chỗ bán thực phẩm định bụng mua thêm chút gì đó về nhà dù nó vẫn biết mẹ và em dâu đã mua rất nhiều thức ăn, những món mà nó yêu thích để mừng nó về phép.
- Cô bán cho tôi 3 lạng chả quế nhé
- Vâng bà chờ con cân ạ
Đang đi qua chợt nó khựng lại bởi tiếng nói quen thuộc trong tiềm thức trỗi dậy, nó quay lại nhìn kĩ một bà già với chiếc áo măng tô đang đứng cạnh chiếc xe đạp bên hàng giò, chả.
Ngờ ngợ và rụt rè nó khe khẽ hỏi
- Xin lỗi cô…cô có phải cô Thư không ạ?
- Vâng đúng rồi…em là?
Nó mừng rỡ trả lời bàn tay nó cầm lấy đôi tay gân guốc của cô mà lay mạnh, như cố để cô nhớ lại nó.
- Dạ ! Em đây, em là Hồng đây cô, Hồng lớp 7A ngày xưa cô dạy văn…cô còn nhớ không ạ?
Sau một chút suy nghĩ bà giáo già chợt nhận ra
- Hồng…Cô nhớ rồi, Hồng trắng lớp 7A phải không ?
Nó đón chiếc xe đạp từ tay cô và dắt ra khỏi chợ, vừa đi vừa hàn huyên. Cô hỏi thăm nó đủ mọi thứ về cuộc sống và gia đình, những kỉ niệm hơn 20 năm trước ào ào trỗi dậy khi cô và trò nói chuyện.
Ra tới hàng hoa cổng chợ nó khe khẽ nói
- Cô ơi em công tác xa nhà nên em ít có dịp về thăm…Gặp cô ở đây em mừng lắm, dẫu hôm nay không phải là ngày nhà giáo Việt Nam nhưng em xin phép cô cho em được tặng cô một bó hoa để tỏ lòng tri ân cô nhé!
Nó dựng xe và hỏi mua một bó hoa lay ơn trắng, loài hoa cô thích mà bất chợt nó nhớ được.
Chia tay cô trên đường về nhà nó như trầm hẳn lại sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Vừa đi nó vừa nghĩ…Cuộc đời nhà giáo chở biết bao chuyến đò, hêt thế hệ này đến thế hệ khác đến rồi đi, và nó đã trưởng thành qua bao nhiêu thầy cô từ khi đi học đến giờ, nó bắt đầu lẩm nhẩm tính …không nhớ hết nổi!
Vậy mà cô vẫn nhớ nó, nhớ cả cái biệt danh “ Hồng trắng “ mà bạn bè nó đặt cho. Bỗng nhiên nó thấy mình có lỗi không chỉ với cô mà tất cả các thầy cô đã dạy nó. Ừ ! Tại sao lâu lâu không gọi một cuộc điện thoại hay đến ngày 20/11 hàng năm viết một cái thiếp chúc mừng gửi cho các thầy cô nhỉ…Những thứ ấy tưởng như đơn giản so với những cuộc tiếp khách ngồi đờ cả lưng cùng với hóa đơn thanh toán gấp nhiều lần vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, vậy mà nó và không ít người lãng quên không làm được điều đơn giản ấy!
Viết trong đêm tháng 11/2012
Đinh văn Hồng
Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012
BÀNG ĐÊM
Khi mặt trời sểnh chân
Ngã phía sau đỉnh núi
Thời gian chia từng múi
Cho các cặp tình nhân
Chỉ còn anh cây bàng
Cô đơn và úa lá
Tím sắc màu vội vã
Chờ đêm của riêng mình
Khi vạn vật chùng chình
Nhẩn nha cùng hạnh phúcBàng đớn đau từng khúc
Ứa nhựa tràn trời đêm
Gió vô tình thổi thêm
Làm nhựa lòng khô cứng
Sương khuya nào đủ hứng
Mềm giọt buồn xót xa
Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012
NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC BẮT NGUỒN TỪ GIÁO DỤC
Nền tảng đạo đức bắt nguồn từ giáo dục...Khi mọi thứ giá trị đang quay cuồng hội nhập cái cảm giác bất an mỗi ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về mặt trái của xã hội hay còn gọi là phần chìm của tảng băng đang tan dần trong đời sống con người, và không ít người thờ ơ coi đó là điều tất yếu của quy luật phát triển.
Hơn lúc nào hết vai trò của giáo dục cùng sự kết hợp thật sự giữa gia đình, nhà trường và xã hội là liều thuốc giảm đau cần thiết lúc này. Sự kết hợp không thể mang tính hình thức hay sao nhãng mà cần đúng và đủ liều lượng cho một thế hệ phát triển trong tương lai.
Bạn không thể phó mặc con cho nhà trường để làm nhẹ gánh cho mình với sự lăn lội, chìm ngập trong công việc để kiếm tiền và luôn miệng nói với con sự vất vả ấy vì con và lo cho con, chính điều ấy đã khiến con mình đang trong độ phát triển cảm thấy hụt hẫng và đơn độc, điều trẻ cần chính là sự ân cần quan tâm đúng mực của bạn với đời sống hàng ngày của lứa tuổi đang hình thành tư duy và nhân cách.
Nhà trường lại càng nặng nề hơn với vai trò chuyển tải kiến thức, giáo dục cách sống, cách nhìn cho trẻ. Làm được điều này khó hơn phẫu thuật một khối u ác tính bởi đội ngũ giáo dục cũng là con người bình đẳng như mọi người và các ngành nghề khác " Có thực mới vực được đạo " họ cũng phải vật lộn với cuộc sống đang diễn ra hàng ngày. Ta cứ nói nâng cao đạo đức và chuyên môn, bồi dưỡng tập huấn, hội giảng...v..v... nhưng lại quên đi cái cần thiết cho một người lái đò chở sinh mệnh của cả xã hội ấy đang thiếu sự quan tâm đúng mực khiến nghề giáo lung lay bởi một bộ phận không nhỏ phai nhạt niềm tin và nghị lực cũng như lòng yêu nghề.
Xã hội đang vận động với sự phát triển chóng mặt bởi nhu cầu đòi hỏi con người, trong ấy có cả mặt tốt và xấu song song tồn tại và phát triển. Sự sàng lọc không thể dễ dàng nhận biết để cho bất cứ ai tránh được sai lầm, ngay cả bản thân người lớn còn vướng phải vòng luẩn quẩn ấy nói gì những đứa trẻ chưa đủ tư duy nhận biết. Vậy điều cần thiết cho trẻ chính là môi trường xã hội lành mạnh và phát triển, mà môi trường ấy chính là gia đình và nhà trường nơi đứa trẻ gắn bó thời gian hàng ngày.
Nền tảng đạo đức bắt nguồn từ giáo dục...Khi mọi thứ giá trị đang quay cuồng hội nhập cái cảm giác bất an mỗi ngày trên phương tiện thông tin đại chúng về mặt trái của xã hội hay còn gọi là phần chìm của tảng băng đang tan dần trong đời sống con người, và không ít người thờ ơ coi đó là điều tất yếu của quy luật phát triển. Mọi sự ngụy biên của người lớn sẽ để lại hệ lụy không nhỏ cho mai sau, liều thuốc hữu dụng là sự trầm mình xuống và suy nghĩ của những người có trách nhiệm các thầy cô và cha mẹ của trẻ. Để xây dựng một thế hệ tài năng kế thừa những gì mà thế hệ đi trước mong muốn và để lại. Đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Đinh Văn Hồng
Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012
SỐNG DÂNG HIẾN...!!!
Hy vọng bạn nào ở gần chú Tạ Trí Hải gửi giúp bài thơ này tặng chú. Một chút tấm lòng từ Quảng Ngãi xa xôi hướng về Hà Nội dấu yêu và sự ngưỡng mộ người nghệ sĩ đường phố của thủ đô!
Người nghệ sĩ dưới gốc cây lặng lẽ
Lắng tai nghe tiếng phố nhộn nhịp trôi
Tiếng vĩ cầm chợt vút giữa lá rơi
Réo rắt âm thanh đỡ từng chiếc lá
Mọi thứ xung quanh dường như vội vã
Quên tiếng đàn giữa phố xá đông vui
Và tôi đoán sau đôi kính tối thui
Ẩn chứa tâm hồn khát khao bừng sáng
Thời gian ơi cứ rơi cùng năm tháng
Chỉ có tiếng đàn vang nhịp thiết tha
Vũ điệu nào cho cây trái trổ hoa
Quên một kiếp cây đời đang trầm bổng
Âm thanh dồn lên trời cao lồng lộng
Gửi giấc mơ khao khát của loài người
Dưới tàng cây khuôn mặt nở nụ cười
Sống dâng hiến giữa dòng đời bất tận...!!!
Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012
KRONG PA TRUNG THU KHÔNG TRĂNG
Thật vậy, mưa tầm
tã kéo dài cả tuần khiến mọi thứ nơi đây đều cho người ta cái cảm giác
chỉ đụng nhẹ một cái là nước sẽ ứa ra ngoài. Trung thu Krong Pa mà tôi
đã hứa trong tâm sẽ làm điều gì đó cho các em nơi đây có được một đêm
đầy ý nghĩa, hình như cái điều con người tính chẳng thể nào qua được
trời đất.
Đi trong nhưng cơn mưa mù mịt vượt mấy trăm cây số lên với các em tự
nhiên lòng thấy nao nao thương những con người chịu đựng cái nắng cái
gió nơi đây biết bao.Dẫu vậy chương trình vẫn không thể ngừng lại trước
mấy trăm trái tim bé bỏng đang chờ đợi trong sự tò mò và háo hức, bởi
như thầy Lưu Bá Dũng và anh chàng bí thư Huyện đoàn Trịnh Thanh Khiết
khẳng định " Chúng tôi thật bất ngờ vì ở huyện chưa diễn ra sự kiện như
thế này bao giờ " những lời tâm sự bộc bạch khiến tôi càng thấu hiểu
được cuộc sống vùng cao nơi đây.Hành trình một mình cô đơn lên nơi này
mang theo sự ủy thác của những tấm lòng nhân ái bè bạn gửi trao được bù
đắp bằng sự tiếp đón vui mừng của các thầy cô giáo và nhóm bạn tình
nguyện của facebook - Krong pa đã xóa tan bao nỗi nhọc nhằn.Dàn dựng trương trình công phu thế, kịch bản kỹ thế nhưng cuối cùng đành thay đổi vào buổi trưa trong hội trường mượn tạm của Ủy Ban xã và ngoài cái sự nuối tiếc ấy vẫn chưa ngừng lại vì mất điện, tận dụng từng mét dây điện để kéo nhờ bên máy phát điện của trạm viễn thông gần đấy về cũng là một kì tích ở nơi cái gì cũng thiếu.Mấy trăm con người lớn bé chật kín trong hội trường mà ai nấy đều rạng rỡ những niềm vui dẫu chưa thể có trăng vào lúc mặt trời đứng bóng, bởi ai cũng hiểu chỉ có trời không hiểu...Còn ánh trăng nào đẹp và tròn như trưa nay bởi trăng được thắp lên từ những trái tim đầy lòng nhân ái!Những điệu múa mang đậm bản sắc và phong cách nơi này khiến ai đã một lần xem sẽ chẳng bao giờ quên được, thẳm sâu trong đôi mắt đen láy huyền diệu cùng vũ điệu của núi rừng khiên cái ngột ngạt như biến mất, tất cả cuốn hút vào từng nhịp chân đất của các cô bé với những chiếc gùi xinh xinh và tiếng vỗ tay sôi động khi kết thúc một màn diễn của các em.Những phần quà nho nhỏ nhưng chứa trong tim các em biết bao tấm lòng bạn bè cả nước cũng như nước ngoài trao gửi về đây. Có người nói nhỏ sao ông nhà thơ ấy chẳng thấy cười? Liệu có ai biết được rằng mình rất buồn khi nghe thông tin cả huyện được chi 30 triệu cho 15 xã đấy là trung thu do nguồn ngân sách của huyện. Dù chương trình cho một điểm trường đã lên con số vượt dự kiến ban đầu rất nhiều, 21 triệu cho một điểm trường quả là không nhỏ, nhưng nỗi buồn cứ chứa chất khi tới nơi đây phải vượt qua 3 trường tiểu học khác đóng cổng im lìm...tôi chẳng thể hồn nhiên mà vui cười được!
Krong Pa một trung thu không trăng cho chương trình " Cùng em vui hội trăng rằm " thành công ngoài tưởng tượng dù mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa. Chỉ còn tôi lại một mình ra về trên chuyến xe đêm với nỗi nhớ nao lòng và cứ nghèn nghẹn thấy có lỗi với đất và người nơi đây. Như một lời không hẹn tôi ao ước trở lại nơi này không xa !
TỔNG KÊT CHƯƠNG TRÌNH
"CÙNG EM VUI HỘI
TRĂNG RẰM 2012"
Sau 03 tuần phát động và kêu gọi sự ủng hộ của nhiều tấm
lòng hảo tâm của các cô, chú, anh chị em trong cộng đồng Facebook - yahoo và
nhóm bạn facebook "TẤT CẢ VÌ HỌC SINH KRÔNGPA THÂN YÊU!" cùng sự hỗ
trợ của nhà thơ Đinh văn Hồng ( FB Hong Dinh Van), với mong muốn tổ chức cho
các em một đêm Trung Thu thật ý nghĩa, đồng thời qua đó có thể hỗ trợ phần nào
cho các em về tinh thần cũng như vật chất nhằm động viên tinh thần học tập,
khuyến khích các em đến trường chuyên cần hơn, đảm bảo sức khỏe cho các em hơn
đặc biệt trong mùa mưa lũ sắp tràn về trên dòng sông Pa vốn hiền hòa của huyện
KRôngPa - Gia Lai, chương trình đã quyên góp và tổ chức thành công chương trình
offline "Cùng em vui hội trăng Rằm 2012" tại trường THCS Lê Hồng
Phong - xã IaHDrheh - huyện KrôngPa - tỉnh Gia Lai vào lúc 11h ngày 29/09/2012
với tổng số quà tặng:
- Bánh kẹo: 291 phần quà
- Áo mưa: 155 áo mưa
- 80 chiếc lồng đèn (do FB Nhungcogai Pleiku ủng hộ)
- Học bổng:
+ 05 suất đặc biệt: 1.000.000đ / suất (do Techcombank Sài
Gòn tài trợ)
+ 15 suất dành cho học sinh mồ côi, nhà nghèo vượt khó học
giỏi: 200.000đ (10 suất theo dự kiến ban đầu + 05 suất của đại tá - FB Nguyễn
Hạnh ủng hộ đúng vào lúc chương trình đang diễn ra)
+ 03 suất hỗ trợ học sinh khó khăn: 100.000đ (Phòng TB - XH
huyện tài trợ)
* Tổng số kinh phí quyên góp được từ các cá nhân, tập thể: 21.000.000đ
Tuy chương trình có sự thay đổi
về kế hoạch tổ chức ( trời mưa và mất điện) nhưng bằng tinh thần nhiệt tình tuyệt
đối, sự nỗ lực hết mình của anh chị em nhóm facebook "TẤT CẢ VÌ HỌC SINH
KRÔNGPA THÂN YÊU!"và tập thể GV nhà trường, chương trình vẫn diễn ra theo
đúng kịch bản ban đầu và thành công ngoài sự mong đợi.
BTC chương trình xin thay mặt anh
chị em trong nhóm facebook "TẤT CẢ VÌ HỌC SINH KRÔNGPA THÂN YÊU!" và
các em học sinh trường THCS Lê Hồng Phong cám ơn những tấm lòng hảo tâm của các
đơn vị tập thể, cá nhân đã nhiệt tình chia sẻ, ủng hộ và sát cánh với chương
trình!
Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012
NGẪM...!!!
Giã đời nát bấy nỗi đau
Tuổi thơ hoang dại trước sau chẳng lường
Lớn lên giữa ngã ba đường
Chọn chi khát vọng va tường đá ong
Bây giờ tóc bạc lưng cong
Đếm sương đón gió mỏi mong quay về
Đếm thời gian với ê chề
Đếm tương lai với bốn bề cuồng quay
Nhặt thời gian lúc cơn say
Nhặt từng đêm với tháng ngày chông chênh
Nhặt thêm khắc khoải bồng bềnh
Đắp đầy ân hận lênh đênh một thời
Thời gian với nỗi rã rời
Vẫn nằm khao khát một lời yêu thương
Vẫn còn quay quắt vấn vương
Tuổi ơi trở lại chọn đường ta đi
Ngẫm đời bạc chẳng ra gì
Để ta với nỗi ngu si sống mòn
Ngẫm mình một chút cỏn con
cũng không gánh nổi lại còn trách ai?
Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012
VU LAN VÀ NỖI NHỚ MẸ
Lại một mùa Vu Lan nữa lại về...dẫu xa xôi ngút ngàn ở dẻo đất miền trung với những bộn bề cuộc sống con vẫn chưa một phút nào thôi đau đáu nhớ về Hà Nội yêu thương, nơi ấy không chỉ là trái tim cả nước mà còn là nơi chứa đầy những hình ảnh, những kỉ niệm của mấy chục năm nới con sinh ra và lớn lên, đặc biệt hơn và quan trọng hơn là nơi ấy có ba mẹ là những người cho con được sinh ra và lớn lên.
Ngày Vu Lan ngày lễ báo hiếu, con tự hỏi mình đã làm được gì để báo hiếu cha mẹ? Cuối cùng thấy thật hổ thẹn khi mình chẳng làm được gì cả. Bởi lẽ không chỉ riêng con mà tất cả những người con đều không báo hiếu nổi cha mẹ mình vì dù có báo hiếu bao nhiêu cũng không thể trả được công dưỡng dục sinh thành.
Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày
Đúng thật vậy có gì lớn bằng trời bằng bể đâu, nên con luôn chỉ thấy mình có lỗi dù có làm nhiều bao nhiêu cũng không đủ, dẫu chỉ là bông hồng cài áo để thể hiện tình yêu thương để muốn nói rằng ba mẹ ơi con vẫn biết...
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Hôm nay ngày lễ báo hiếu bầu trời như trong hơn , xanh hơn với những tia nắng bình minh rạng rỡ xóa đi cái khắc nghiệt thường ngày của khí hậu nơi đây, trời cũng rung động trước ngày này mà ban những tia nắng ấm áp như tình yêu của ba mẹ dành cho con, khiến con còn cồn cào nhớ mẹ...ước một giấc mơ nho nhỏ là được thắp cho mộ ba một nén nhang và cầm đôi tay gầy gò gân guốc của mẹ sao bao năm tháng vất vả nuôi dưỡng anh em chúng con mà thốt lên...Mẹ ơi chúng con yêu mẹ nhiều lắm, dẫu cuộc đời này con có thể cho đi nhiều thứ nhưng không bao giờ cho đi nỗi nhớ của con dành cho ba cho mẹ!
Mùa thu Quảng ngãi cứ chầm chậm trôi đi trong cái gió hanh hao và những cơn mưa nắng thất thường khiến con càng buồn hơn khi không được bên mẹ những ngày này. Nghe cho hết bài kinh Vu Lan với lòng kính trọng ngài Mục Kiền Liên trong mắt chợt rơm rớm những giọt lệ như chực lăn ra ngoài dẫu có cứng rắn đến mấy. Với cái điện thoại muốn được nghe tiếng mẹ kính yêu và nói với mẹ một câu thật ngắn ...mẹ ơi...con yêu mẹ!
Chỉ có tiếng chuông tút...tút ..liên tục dẫu gọi nhiều lần, giật mình không biết có điều gì mà máy báo bận dài thế, bấm máy gọi cho em con mới biết hệ thống điện thoại hư, trút một hơi thở nhẹ nhõm như vừa nhấc tảng đá ra khỏi lồng ngực nhưng còn phảng phất nỗi buồn, đành chờ tối em về mới được gặp mẹ.
Mẹ yêu ơi chắc giờ này mẹ chắc cũng đang lên chùa và cũng nhớ bà ngoại ở quê như con nhớ mẹ phải không? Bà đã gần 100 tuổi rồi mẹ nhỉ, tuổi của bà càng cao thì con lại càng thêm lo lắng vì tuổi mẹ cũng cao theo khiến con chẳng lúc nào hết phập phồng lo cho bà cho mẹ.
Mẹ à..chưa một mùa Vu Lan nào mà con thấy vui mẹ ạ, trong con chỉ toàn nỗi buồn và day dứt khi những năm tháng mẹ tuổi cao sức yếu mà con không được bên mẹ để được làm những cái việc nho nhỏ như rót cho mẹ một ly nước, đỡ mẹ xuống cầu thang hay ngồi bóp chân tay cho mẹ đõ mỏi, đơn giản bấy nhiêu thôi mà với con cũng thật khó khăn vô cùng, điều ấy khiến nỗi buồn trong con cứ dâng lên ngút ngàn cùng cái ngày này.
VU LAN VÀ NỖI NHỚ MẸ
Tiếng kinh báo hiếu vọng về
Khiến cho nỗi nhớ bộn bề trào dâng
Vu lan lòng dạ lâng lâng
Gửi về cho mẹ kính dâng nỗi niềm
Tiếng chuông theo nhịp triền miên
Trách mình sao mãi ưu phiền thời gian
Trải lòng con với miên man
Trải lòng con với lênh loang đất trời
Khát khao muốn nói một lời
Con yêu mẹ lắm một đời vì con
Từ ngày gót đỏ như son
Đến nay tóc bạc vẫn còn y nguyên
Trách đời sao thật vô duyên
Mẹ con lại ở hai miền cách xa
Vu Lan chỉ một loài hoa
Cài lên ngực áo xót xa nhớ về.
Mẹ kính yêu ơi! Con viết những dòng này mà không ngăn được những giọt nước mắt tuôn trào, mẹ có biết con nhớ mẹ...nhớ mẹ nhiều lắm. Xin những cơn gió nơi này hãy mang nỗi nhớ của con về bên mẹ kính yêu và hãy nói giúp các con của mẹ chỉ có một mong muốn duy nhất là mẹ hãy mãi mạnh khỏe để cho chúng con được nở những nụ cười hồn nhiên và hạnh phúc mẹ nhé!
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012
Vài ý nghĩ về Thơ Việt hôm nay - Nguyễn Anh Tuấn
Và những cách ứng xử với Thơ
.
NGUYỄN ANH TUẤN
.
NGUYỄN ANH TUẤN
Thời gian dài vừa qua, đời sống văn hóa & tinh
thần nói chung, đời sống văn chương nói riêng đã diễn ra tình trạng loạn chuẩn
tới mức báo động, và nổi lên những hiện tượng kỳ dị- nổi bật nhất là tình trạng
"lạm phát thơ" ( như tên một bài viết), mà đỉnh cao (hay thực chất là
biến tướng quái đản của nó) là hiện tượng người làm thơ dám tự nhận "mượn
bút tiền nhân"...
Là một người yêu thơ, và đang làm một công việc có
thể nói là lấy thơ ca làm gốc, tôi xin mạnh dạn góp mấy lời lạm bàn về hiện
trạng trên.
Đúng là có sự thật: "Nhan nhản những tập thơ vô
thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên bàn thờ tổ
tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt thếch và cũ
rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng...Nhưng cũng không
ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân Hương khi
được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…" ("Hiện tượng vè hóa,
văn xuôi hóa và cũ hóa Thơ…cần báo động" - Nguyễn Trọng Tạo -
trieuxuan.info ). Quả thực có chuyện: "Thơ thập- diện- mai- phục… thơ
làm tắc nghẽn mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho
thơ sạch không có lối đi." ( "Vấn nạn thơ đầy đường"-
trannhuong.com). Bản thân tôi cũng đã bày tỏ thái độ trước sự lạm phát thơ này
trong vài bộ phim truyện truyền hình phát trên Văn nghệ chủ nhật, như phim
"Trời cho- trò chơi": một ông được đền bù đất đai đã vung tiền cho
mình và vợ con làm sang- vợ mở phủ, con gái mua sắm, còn bản thân thì cho in
thơ "con cóc" của mình để khoe và để biếu (do một cò mồi kích thích
dẫn dắt mà diễn viên Xuân Bắc thủ vai rất đạt)
Nhưng, đó chỉ là một nửa của sự thật, đúng hơn, là
cái mặt nổi của sự thật.
Lòng yêu thơ, có thể nói là cái phần tốt đẹp nhất
trong những tình cảm tốt đẹp còn sót lại sau những cuộc tàn phá kinh hoàng của
nền kinh tế thị trường méo mó đối với nhân tính và các mối quan hệ xã hội. Tôi
rất tâm đắc với một ý kiến của tác giả Thi Thi: " Nếu có một ngày
toàn nhà thơ tham gia giao thông thì chắc chắn nạn tắc đường giảm đi rất nhiều,
bởi dù đấy là nhà thơ ở cấp độ nào thì đều là những người có tâm hồn phong phú,
có nhân tính, biết nhường nhịn nhau. Đặc biệt nếu có chút va chạm không tránh
khỏi vì quá đông thì cũng không xảy ra xô sát lớn, vì ngoài các yếu tố trên,
trong túi các nhà thơ nhiều nhất cũng chỉ có cây bút và cuốn sổ, không bao giờ
có dao, kiếm, dùi cui điện hay súng… Còn nếu các nhà công quyền lại đồng thời
là các nhà thơ thì lại tốt quá, người dân chắc không phải điêu đứng vì thói
hống hách, quan liêu, cửa quyền, tham lam vô độ…("Đất nước càng nhiều nhà
thơ càng tốt"- nguyennguyenbay.com)
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Hoàng Cầm
có nói đại ý rằng: tính cách của người Việt rất gần gũi với thơ - đó là lối
sống tình cảm đối với bạn bè, bà con làng xóm, nhường cơm sẻ áo trong hoạn
nạn... Trải qua mấy nghề nghiệp, đi tới nhiều vùng đất, tôi đã tự mình kiểm
nghiệm được cái đúc kết giản dị và lý thú trên của thi sĩ Hoàng Cầm... Xin kể
một chuyện nhỏ. Dạo ấy, sau khi chuyển vùng từ Tây Bắc, tôi nhận công tác ở một
trường cấp ba huyện ngoại thành Hà Nội. Cô tài vụ của trường có vẻ ác cảm với
một kẻ tự ti lầm lỳ như tôi, hoặc coi thường anh giáo nghèo miền núi trở về,
nên cứ vào kỳ lĩnh lương, cô thường để tôi phải đi tới đi lui dăm bẩy bận, đến
phát khùng lên mới được lĩnh hết lương. Một buổi, tôi vào phòng tài vụ chờ rất
lâu. Có cuốn sổ tay để mở, tôi tò mò cầm đọc. Hóa ra là sổ chép thơ tình, có cả
mấy bài thơ dịch Puskin. Có nhiều câu chép sai, sai cả chính tả. Tôi liều mạng
lấy bút ra sửa giúp. Khi cô tài vụ về, chưa kịp thoái thác với tôi là hôm nay
chưa có tiền lương, cô chợt nhìn thấy tôi cầm cuốn sổ, bèn giật lấy nhìn, thấy
mấy chỗ sửa. Tôi tái mặt lo lắng. Nhưng số tôi thực may mắn. Cô đọc một lúc, vẻ
lạnh lùng khinh khỉnh dần biến mất, rồi nhẹ nhàng hỏi: "Anh sửa đấy
à?" Tôi ấp úng gật đầu: "Tôi...Tôi là giáo viên văn mà...". Cô
dường như quên phắt cái sứ mạng là phải hành hạ một "ma mới" như tôi,
hào hứng: "Anh thuộc nhiều thơ không? Chép hộ em với nhé?" Thế là hôm
đó, lần đầu tiên sau hơn nửa năm chuyển vùng về, tôi được lĩnh lương đúng
hạn...Mà công đầu là do Thơ; đúng hơn là do tâm hồn yêu thơ của một cô gái tuy
có nhiều nét tính cách không dễ chịu gì cho lắm nhưng chỉ một cái đức yêu thơ
đó cũng đủ thể tất nhân tình cho tất cả... Gần đây nhất, khi về làm phim tại
thôn Duệ Đông- một trong 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh, tôi được tặng một tập
thơ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập CLB thơ Duệ Đông (15/8/ 1997- 15/8/2012) mà
tác giả là những liền anh liền chị cao tuổi. Trong số những tác giả mà tôi được
tiếp xúc, tôi đặc biệt chú ý tới bà Nguyễn Thị Ngọc Viên. Say mê tiếng hát quan
họ cổ của bà, tôi còn rung động sâu sắc trước cuộc đời bà: chồng và cả ba người
con đều lần lượt ra đi do tai nạn & bệnh tật bất ngờ, trong nhiều năm bà đã
cắn răng để sống, để hát quan họ, truyền dạy hát quan họ cho lớp trẻ, và làm
thơ. Thơ của bà dung dị, chân thật, đượm xót xa ngọt ngào và thấm như câu ca
quan họ:
Cánh sen gọi nắng trưa hè
Mưa rào bất chợt, ướt nhòe thơ tôi...
Những câu thơ & những bài thơ như thế của bà,
của cả CLB thơ Duệ Đông, và của rất nhiều CLB thơ trên toàn quốc đang lấp lánh
trong biết bao tập thơ đã được in ra. Có thể nói, chúng là nguồn thơ ca dân
gian vô tận để từ đó hình thành nên những đỉnh cao văn chương bác học- thời xưa
là thế mà thời nay cũng chẳng khác mấy. Nếu có những tập thơ nào đó được sản
xuất ra với mục đích ngoài thơ ca và có nguy cơ làm "tắc nghẽn mạch giao
thông tinh thần"- thậm chí làm mọi người bị ngộ độc, thì đó chỉ là số ít!
Nhà thơ Trần Dần sinh thời đã có lần bênh vực loại
thơ ca dân gian đó như sau:
"Con đường số 7 của tao/ Nó đi theo giặc tao
đào nó đi. Hai câu thơ đó là đúng hay sai chính trị?... Cụ Hoài Thanh, anh Xuân
Diệu bảo là sai chính trị...Tôi rất khen hai câu thơ đó. Tôi cho rằng nó đúng
chính trị, đúng lập trường. Tình cảm nó gợi lên: mạnh mẽ, phong phú, chua xót
mà chủ động. Người đào đường lớn hơn con đường, con người mạnh bạo, chủ động,
chua xót, làm một việc bất đắc dĩ mà cần thiết. Đó là chính trị, là lập trường
của hai câu thơ...Người thi sĩ có quyền nói tha hồ, nói sống nói chết, nói bừa
nói bãi, nói sao thì nói rốt cục tình cảm đọng lại mạnh mẽ, phong phú, xốc
người ta lên yêu ghét hành động. Cho nên thường khi người ta thấy người thi sĩ
nói những điều rất phi lý: trèo trời đục đất. Có lúc người thi sĩ biến thành
ánh trăng, một vì sao. Lúc biến thành con mãnh thú. Lúc biến thành chiến sĩ,
thành Tiên, thành quả núi, con sông, v.v. Tất cả mọi chuyện thực là vô lý, có
khi như sai chính trị, sai sự thực, như là duy tâm nữa. Nhưng
nếu tình cảm đọng lại mạnh mẽ, thôi thúc, xô đẩy người ta lên thì không sai
chút nào cả- như hai câu thơ trên kia..." ( "Thơ chính trị- thơ chính
sách"- Tư liệu riêng của gia đình nhà thơ Trần Dần )
Không ít những lời tâm huyết nói về Thơ trong thời
buổi lạm phát Thơ và chắc chắn tìm được đồng cảm của nhiều người thậm chí không
hề làm một câu thơ, xin mạn phép được trích dẫn đôi dòng:
" Thường nhân làm thơ không phải để trở thành
vĩ nhân hay để trở thành thánh nhân, mà mong mỏi trở thành hiền nhân...Niềm
sáng tạo thi ca mệt mỏi trước nỗi ma lực chữ nghĩa đớn đau, chỉ khát khao góp
cho khách tri âm chút đồng cảm nhỏ nhoi về số phận và phẩm giá từng con người
trong xã hội. Tôi nghĩ, đó là những tiếng thở dài mơ hồ rất cần được lắng nghe
và trân trọng.... Khoảng cách từ sự thăng hoa trên bàn viết nhà thơ đến tác
phẩm trên tay độc giả, dường như càng ngày càng vời vợi hơn, mà nhiều toan tính
và nhiều xao xác đã bắt đầu nhen nhóm. Thực trạng có vẻ bẽ bàng kia đã làm tôi
ái ngại, nhưng không hề khiến tôi tuyệt vọng về sức mạnh cứu rỗi của thi ca.
Tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hóa năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc
sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u
uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay!" ("Phê bình thơ, nên
khen hay nên chê?"- Lê thiếu Nhơn)
"Đúng là thơ hay - bao giờ cũng xuất phát từ những nỗi niềm sâu thẳm
của tâm hồn, từ những trải nghiệm máu thịt và suy ngẫm giàu lòng nhân hậu về
cuộc đời và phận người trong thế gian này - chứ đâu phải cứ băm bổ chạy theo
nào là “hiện đại”, “hậu hiện đại”, nào là “hội nhập” với văn chương nhân
loại, rồi thì “đổi mới” bằng mọi giá… là có thơ hay đâu. Một bằng
chứng hùng hồn và thực tế đáng buồn là bạn đọc yêu thơ đang quay lưng lại với
thơ mới hôm nay…"(Triệu Lam Châu- thieunhon.com)
"Sao trước những sự kiện bức xúc của đời sống,
thơ không lên tiếng, thơ lặng câm? Những bài thơ cất lên ở các dạ hội, đêm thơ,
ngay cả của các nhà thơ Việt, hình như vẫn ở bên ngoài thời sự của cuộc sống
hôm nay của người dân? ("Nghĩ từ liên hoan thơ quốc tế Việt Nam lần thứ
nhất" -Phạm Xuân Nguyên- lethieunhon.com)
"Theo ý tôi, cái truyền thống vinh quang của
người thi sĩ là ở chỗ lúc nào họ cũng thấy có trách nhiệm gắn bó với cuộc sống.
Họ là những người biết yêu ghét vui mừng hay căm giận ở một mức độ cao hơn mọi
người. Họ là những người lúc nào cũng tha thiết với chính nghĩa và tự thấy như
mình phải có một sứ mệnh: làm cái tiếng nói trong sáng nhất, can đảm nhất và
tha thiết nhất của con người. Cũng chính vì có mang được cái truyền thống
đó trong mình nên người làm thơ mới được xã hội cần đến." ("Mấy Ý
Nghĩ Về Thơ"- Quang Dũng -Vanchuongviet.org)
"Bên cạnh đó thơ ca mang đến đời sống cho mọi
người. Họ làm thơ không phải để thúc đẩy sự phát triển, mà để sống, chia sẻ,
kêu gọi chống lại sự vô cảm, xấu xa trong xã hội. Mỗi giai đoạn có những nhà
thơ xuất sắc, mở ra nhiều giọng điệu, làm cho ngôn ngữ tiếng Việt chứa đựng
nhiều vẻ đẹp hơn." (Toan Toan- tienphong.vn)
Viện sĩ Viện Hàn lâm Petrov đã cho chúng ta thấy sự
trăn trở về Thơ ở nước ta thực ra cũng là mối quan tâm của nhiều dân tộc trên
thế giới, và chúng càng có giá trị thời sự với hôm nay: "Tôi không phải là
nhà tiên tri, nên không thể đoán được thơ ca sẽ đi đến đâu, và tác động của nó
như thế nào. Nhưng theo tôi nghĩ, thơ ca vẫn có thể là một cái gì đấy cứu vãn
được con người.
Thơ ca xuất phát từ những suy nghĩ của những nhà
tiên tri ngày xưa, suy nghĩ về cuộc đời, suy nghĩ về ý nghĩa của con người trên
Trái Đất. ...Từ đó thơ ca dần phát triển và được người ta chú ý đến. Ngoài
ý nghĩa trên, nó còn có tính hình tượng và đẹp nữa, mang những nghĩa ấn dụ,
bóng gió để nói lên suy nghĩ về những vấn đề cốt lõi của cuộc đời...Đọc một bài
thơ mà không hiểu cái gì cả, lại chưa chắc đã hay nữa, vậy thì người ta lại tìm
đến cái đơn giản, cái cụ thể cho cuộc sống của họ. Một ngày nào đó, mọi người
lại có nhu cầu, tìm kiếm một điều gì đó cần thiết để vươn lên, vượt lên, thì có
một câu trả lời đang chờ người ta ở trong bài thơ. Đấy là chức năng thơ. Cái đó
vẫn tồn tại." ("Thơ ca, hay là câu chuyện "số đông - số
ít"- NNB.com)
Đạo diễn điện ảnh Tự Huy- cháu bốn đời của nhà giáo,
nhà văn hóa, nhà thơ lớn Nguyễn Văn Siêu có kể cho tôi nghe một câu chuyện thú
vị về nhà thơ Trần Dần. Nhà thơ vốn nổi tiếng là người chịu khó tìm tòi cách
tân Thơ này bảo ông Tự Huy: "Có một bài ca dao cổ tuy hay nhưng tôi không
đồng tình với nội dung và hình thức của nó:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Đòi cắt cái áo đòi may cái quần
May rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Ba con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan tư tiền cưới lại đèo buồng cau..."
Nhà thơ Trần Dần đã làm lại bài ca dao. Và nhà thơ
đã đọc cho đạo diễn Tự Huy nghe bài thơ đó, nguyên văn như sau:
Bao giờ em đi lấy chồng
Để anh sắm sanh quà cưới
Anh mừng em đôi chiếu mới
Em về trải kín giường đôi
Anh đi sang tận làng Ngòi
Tìm mua gạo cẩm
Xu xuê bánh cốm tự anh buộc lạt điều..
Em có cần anh đầu cỗ
Bảo người nhắn gọi anh sang
Giò lụa chạo nem, thịt quay xôi gấc
Vật bò mổ lợn
Con dao anh cắt, nuột lạt anh thắt
Giò thủ anh nén, nước xuýt anh nếm, nạc mỡ anh pha
Cỗ lòng anh thuốn, gỏi cuốn anh cuộn
Mâm son anh dọn, đĩa trúc anh so...
Hay em nhờ anh giúp về văn nghệ
Để anh sửa soạn chương trình
Máy hát anh mượn, trò vui anh chọn
Bạn bè anh đón
Tuyên bố lý do anh nói
Kèn tàu anh thổi.
Anh lưu tới cuối tiệc tan
Khách muộn anh tiếp, đèn rạp anh tắt
Thuốc lá thừa anh nhặt
Xong xuôi anh về!"
Tôi chợt nảy ý nghĩ: bài thơ làm lại này của thi sĩ
"thủ lĩnh trong bóng tối" (Phạm Thị Hoài) có thể coi như một nhát búa
tạ phang vào cái thói "làm duyên làm dáng" (Lưu Trọng Lư) của nhiều
nhà "hoạn quan trữ tình" (Maiakovski), giáng mạnh vào cái thực chất
trống rỗng về tư tưởng, nghèo nàn về vốn sống và kém cỏi về tiếng Việt nên đành
phải mượn cái vỏ hiện đại, hậu hiện đại rất khụng khiệng để che lấp của không
ít nhà thơ chúng ta hôm nay.
Đáng mừng là, giữa cái loạn chuẩn về giá trị Thơ, có
một nhóm nhà thơ phía Nam đã tình nguyện đứng ra làm một loạt "tập thơ
hay", với tinh thần vô tư, không vụ lợi, nhằm góp phần chuẩn hóa, định giá
chính xác về Thơ Việt hiện đại. Tập đầu tiên của "Thơ Bạn Thơ"- gồm 5
tập ( Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên chủ biên) đã ra đời vào dịp Lễ Xá
Tội Vong Nhân năm nay. Giá trị nội dung nghệ thuật chứa đựng trong những tập
thơ đó ra sao, người đọc đông đảo sẽ có thời gian thẩm định; có điều, đó thực
sự là những "tuyên ngôn" bằng thơ chân chính có tác dụng thanh tẩy
những gì không phải là Thơ, hạ thấp Thơ, thậm chí giả Thơ... Công việc này có
thể là một hồi chuông thức tỉnh, một sự mở đầu cần thết để phục hưng lại những
giá trị thơ ca đích thực đã từng bị lem luốc một cách oan uổng trong những năm
tháng vừa qua.
Đạo diễn- nhà báo Nguyễn Anh Tuấn
Bài viết Nguyễn Anh Tuấn/ Tác giả gửi bài
nnb vi tính giới thiệu
Nguồn: nguyennguyenbay.blogspot.com
Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012
XIN CÁC ÔNG LÀM NGƯỢC LẠI
- “Đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách cơ bản,
bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình ở mức trung
bình khá trong xã hội”.
Đó là nhận định của bộ trưởng bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố ngày 5.4. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị này.
Nguồn trích - http://vn.news.yahoo.com/năm-2020--công-chức-sống-được-bằng-lương-
Lại thêm một người đày tớ nữa lừa ông chủ ...Câu này chẳng khác chi câu nói của ông Nhân hồi còn kiêm chức " Đốc học ".
Một câu nói đầy thủ đoạn chính trị để xoa dịu nỗi bất bình của nhân dân và cho người ta ảo tưởng tới tương lai quên đi cái bi đát hiện tại.
Chưa từng có trong lịch sử khi những người dân hưởng lương công lại sợ tăng lương đến như vậy.
Mỗi lần nghe nói tăng lương là người nào cũng co rúm lại vì sợ hãi...bởi lương chưa tăng nhưng bão giá đã dồn dập trút lên đầu họ.
Chẳng hiểu ông Tuấn lấy cơ sở tính toán nào để khẳng định nhưng dù sao ông cũng khôn ngoan hơn ông Nhân khi không copy thêm câu " Nếu không được tôi sẽ từ chức "
Trên thực tế ông Nhân tuy ở cương vị cao hơn và kiêm nhiệm hai chức, điều này tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện lời hứa...mà ông hứa với ngành Giáo dục. nhưng ông đã không làm nổi điều hứa trong một bộ phận nhỏ là ngành GD. Tuy nhiên là người dám làm, dám chịu ông Nhân đã âm thầm thực hiện lời hứa rút khỏi cương vị Đốc học về làm tả thừa tướng.
Muốn để công chức sống được thì có lẽ các ông này phải bắt tay vào bình ổn giá cả thị trường thật sự chứ không phải nhích lương để đuổi giá.
Xin thưa theo quan điểm cá nhân của tôi thì các ông này chẳng làm được tích sự gì cả ngoài những chiêu mị dân như trên.
Nhưng cũng phải công nhận các ông tài thật câu nói của các ông có gang, có thép lắm chứ không đùa đâu. Thể hiện bản lĩnh và trình độ học thức rất cao, điều này ai cũng đồng ý cả.
Chứ như đối với trình độ ABC của tôi thì tôi không ngại gì tuyên bố khi ở những cương vị như các ông này..." Tuần sau công chức sẽ sống được nhờ lương " , Xin thưa vì sao tôi dám khẳng định điều này...bởi từ trước đến giờ tôi chưa thấy ai chết vì lương cả.
Đối với đời sống nhân dân khi khó khăn tới mấy thì " đói đầu gối phải bò " họ bằng mọi giá duy trì sự sống chứ không chịu chết.
Cho nên xin các ông hãy chứng minh tài năng và trí tuệ để xứng đáng ở những cái ghế của dân mua sắm và trang bị để các ông ngồi, bằng cách các ông làm ngược lại và đừng nói thế nữa đau lòng chúng tôi quá.
Xin các ông hãy tuyên bố với chúng tôi sẽ giữ và kéo giá tụt xuống mà không cần phải tăng lương.
Như vậy các ông mới xứng là hiền tài, là nguyên khí của đất nước và chúng tôi mới có thể đặt niềm tin tuyệt đối cho các ông thêm nhiệm kì nữa .
Đó là nhận định của bộ trưởng bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố ngày 5.4. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị này.
Nguồn trích - http://vn.news.yahoo.com/năm-2020--công-chức-sống-được-bằng-lương-
Lại thêm một người đày tớ nữa lừa ông chủ ...Câu này chẳng khác chi câu nói của ông Nhân hồi còn kiêm chức " Đốc học ".
Một câu nói đầy thủ đoạn chính trị để xoa dịu nỗi bất bình của nhân dân và cho người ta ảo tưởng tới tương lai quên đi cái bi đát hiện tại.
Chưa từng có trong lịch sử khi những người dân hưởng lương công lại sợ tăng lương đến như vậy.
Mỗi lần nghe nói tăng lương là người nào cũng co rúm lại vì sợ hãi...bởi lương chưa tăng nhưng bão giá đã dồn dập trút lên đầu họ.
Chẳng hiểu ông Tuấn lấy cơ sở tính toán nào để khẳng định nhưng dù sao ông cũng khôn ngoan hơn ông Nhân khi không copy thêm câu " Nếu không được tôi sẽ từ chức "
Trên thực tế ông Nhân tuy ở cương vị cao hơn và kiêm nhiệm hai chức, điều này tạo thuận lợi hơn cho việc thực hiện lời hứa...mà ông hứa với ngành Giáo dục. nhưng ông đã không làm nổi điều hứa trong một bộ phận nhỏ là ngành GD. Tuy nhiên là người dám làm, dám chịu ông Nhân đã âm thầm thực hiện lời hứa rút khỏi cương vị Đốc học về làm tả thừa tướng.
Muốn để công chức sống được thì có lẽ các ông này phải bắt tay vào bình ổn giá cả thị trường thật sự chứ không phải nhích lương để đuổi giá.
Xin thưa theo quan điểm cá nhân của tôi thì các ông này chẳng làm được tích sự gì cả ngoài những chiêu mị dân như trên.
Nhưng cũng phải công nhận các ông tài thật câu nói của các ông có gang, có thép lắm chứ không đùa đâu. Thể hiện bản lĩnh và trình độ học thức rất cao, điều này ai cũng đồng ý cả.
Chứ như đối với trình độ ABC của tôi thì tôi không ngại gì tuyên bố khi ở những cương vị như các ông này..." Tuần sau công chức sẽ sống được nhờ lương " , Xin thưa vì sao tôi dám khẳng định điều này...bởi từ trước đến giờ tôi chưa thấy ai chết vì lương cả.
Đối với đời sống nhân dân khi khó khăn tới mấy thì " đói đầu gối phải bò " họ bằng mọi giá duy trì sự sống chứ không chịu chết.
Cho nên xin các ông hãy chứng minh tài năng và trí tuệ để xứng đáng ở những cái ghế của dân mua sắm và trang bị để các ông ngồi, bằng cách các ông làm ngược lại và đừng nói thế nữa đau lòng chúng tôi quá.
Xin các ông hãy tuyên bố với chúng tôi sẽ giữ và kéo giá tụt xuống mà không cần phải tăng lương.
Như vậy các ông mới xứng là hiền tài, là nguyên khí của đất nước và chúng tôi mới có thể đặt niềm tin tuyệt đối cho các ông thêm nhiệm kì nữa .
Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012
TREO CỜ TỔ QUỐC BỖNG NHIÊN THÀNH KẺ LẬP DỊ
Cứ mỗi ngày lên mạng sau giờ làm việc tôi thường lang thang các trang mạng và báo để đọc tin tức...trung quốc ngày càng quá quắt đòi biến biển đông thành cái ao nhà mình với 80% diện tích theo cái đường lưỡi bò vô lý mà chúng tự vẽ ra...Ngang nhiên thành lập thành phố tam sa và xây dựng bộ máy hành chính trên quần đảo Hoàng Sa mà năm 1974 chúng đánh cướp và một số đảo của thuộc quần đảo Trường Sa của đất nước tôi. Đồng thời huy dộng hàng chục ngàn tàu cá dưới lốt ngư dân âm mưu hợp thức hóa một phần máu thịt của Tổ quốc của cha ông tôi xây dựng hàng ngàn năm.
Là công dân tôi phải thực hiện các đường lối và chủ trương của Đảng pháp luật của nhà nước. Nhưng nỗi uất ức cú sục sôi trong cơ thể khi thấy đất nước bị chà đạp bởi bọn đại hán và bành trướng trung hoa. Quê hương tôi một tỉnh nghèo ven biển miền trung với hàng ngàn ngư dân và những người làm công việc phụ trợ với nghề đánh bắt thủy sản, hàng năm cứ nghe tin ghe tàu của bà con bị " tàu lạ " đâm vỡ bị bắt bị tịch thu ngư cụ và tài sản cũng như đòi tiền chuộc mà đau đớn và xót xa cho bà con quê tôi.
Quảng Ngãi vốn là một tỉnh có đặc thù lịch sử và truyền thống đó là đảo Lý Sơn nơi ngày xưa các triều vua điều quan quân ra Hoàng Sa cái quản và giữ gìn và khai thác. Hoàng Sa bị cướp rồi nhưng biển còn đó nhưng cũng có nguy cơ bị bọn giặc xâm lược trung quốc cướp nốt. Hàng ngàn người dân quê tôi vốn nghề truyền thống đánh bắt thủy hải sản sẽ ra sao ?
Đây đó có những ngày chủ nhật ở các thành phố lớn biểu tình chống trung quốc nhưng chưa được phép của các cấp chính quyền vì một lý do nào đó...là một công dân tôi cũng khó có thể vi phạm các chủ trương của lãnh đạo đất nước, vì vậy tôi chỉ có thể biểu lộ sự phản đối trung quốc với những âm mưu thâm độc muốn xâm lược, muốn cướp đất cướp biển của đất nước tôi...cướp di thành quả mà bao thế hệ ông cha tôi đã đổ xương máu xây dựng.
Tôi quyết định treo Quốc Kỳ của đất nước tôi vào những ngày chủ nhật để phản đối và không vi phạm những điều còn chưa được phép vì là người dân bình thường, đồng thời nhường quyền đó cho một số người lãnh đạo đất nước đưa ra các quyết sách để giữ nước, giữ chủ quyền lãnh thổ.
Hôm nay 19/8/212 tôi ra cổng ngôi nhà thân yêu của mình và treo lá cờ đỏ sao vàng mà tôi luôn giữ gìn và chỉ treo vào những ngày lễ tết theo quy định ...treo lên trước cổng.
Ủa hôm nay ngày gì mà treo cờ ? Bác hàng xóm hỏi tôi. Tiếp đến một chú giám đốc hỏi và 4,5 nhà đổ ra hỏi..có người còn nói tôi nhầm vì ngày 19/08 không quy định treo cờ..chú có nhầm không ?
lẳng lặng treo xong lá cờ tôi nói - Tôi treo để phản đối trung quốc xâm lược và âm mưu cướp biển cướp Hoàng Sa và Trường Sa của đất nước. Mọi người chợt nhận ra điều tôi nói quả là khác người và nhìn tôi là lạ dẫu mỗi ngày trước đó vẫn thường chào hỏi và nói chuyện rôm rả...Tôi gọi con ra chụp cho ba kiểu hình để kỉ niệm và giải thích cho con vì sao mình treo cờ rồi lấy xe về quê.
Từ nay tôi sẽ thành một người lập dị trong cái xóm nhỏ của tôi vì tôi treo cờ Tổ quốc vào các ngày chủ nhật ,dẫu vậy nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật tôi vui lắm và tự hào lắm!
Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012
GÕ VÀO NHAU
Ta gõ vào em
Trái tim thổn thức
Nỗi đau rưng rức
Một thời vụng dại
Âm thanh ngần ngại
Vang khẽ thành lời
Ta gõ vào đời
Niềm vui nở rộ
Không duyên không nợ
Sao gõ vào nhau
Gói chặt niềm đau
Một thời quá vãng
Đất trời lãng đãng
Em gõ vào tôi
Trái tim sục sôi
Chợt thốt lên lời.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)